Chiều 6/9, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại thành phố Nam Định. Cùng đi kiểm tra có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh kiểm tra việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 tại Trạm bơm Kênh Gia, phường Năng Tĩnh. |
Theo báo cáo của thành phố Nam Định: UBND thành phố đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, kịp thời ban hành các Công điện chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND phường, xã và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ ứng phó cơn bão số 3 với tinh thần chủ động, quyết liệt. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là di dân ở các nhà yếu đến nơi an toàn và chống ngập úng nội đô. Chiều 5/9, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các phòng, ban, đơn vị đã kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác chuẩn bị các điều kiện ứng phó với bão số 3; tập trung kiểm tra tại một số địa điểm trọng yếu gồm trạm bơm tiêu thoát nước, bảo đảm an toàn, di dân và tài sản tại các nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm (khu nhà 5 tầng đường Trân Đăng Ninh, ngõ 181 và 207 đường Hoàng Văn Thụ).
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh kiểm tra thực tế việc chủ động ứng phó cơn bão số 3 tại Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân. |
Sáng 6/9, UBND thành phố đã họp với các phòng, ban, UBND phường xã và các đơn vị có liên quan để triển khai khẩn cấp các nội dung ứng phó với bão số 3. Trong chiều 6/9, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến cơn bão để người dân không lơ là chủ quan, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống, ứng phó với siêu bão; đảm bảo công tác tuyên truyền đảm bảo thông suốt đến tận các phường xã, trong đó có cả các địa phương thuộc địa phận huyện Mỹ Lộc cũ. Vận động, hỗ trợ các hộ dân sinh sống tại các khu nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm khẩn trương di dời đến nơi an toàn trước 18 giờ. Cho học sinh nghỉ học trong thời gian siêu bão đến sau khi kết thúc bão. Tiếp tục tổ chức cắt tỉa, chặt hạ cây sâu bệnh, nguy hiểm. Nạo vét các tuyến mương, cống; tích cực khơi thông các dòng chảy, cải tạo, nâng cấp hệ thống cống, hố ga thoát nước cho các tuyến phố đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời, nhất là các điểm có nguy cơ ngập úng cao như tuyến phố Trần Hưng Đạo kéo dài đến đường Đông A; tuyến đường từ ngã tư Mạc Thị Bưởi đến Hàn Thuyên; chân cầu Đò Quan… Chú trọng xử lý rác thải tại các khu vực họp chợ, nhất là các điểm chợ đêm thường tập trung xả thải với khối lượng lớn. Tổ chức thường trực vận hành tại các trạm bơm đảm bảo bơm tiêu thoát 24/24h để đáp ứng nhu cầu thoát nước đô thị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án ứng phó với bão số 3, bám sát phương châm "4 tại chỗ" và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau bão.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh kiểm tra khu nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm ngõ 207 đường Hoàng Văn Thụ. |
Hiện, thành phố tiếp tục phân công, giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch UBND các phường, xã và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu chủ quan lơ là chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản; tổ chức thường trực 24/24 theo quy định để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Qua kiểm tra thực địa, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh đã đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão số 3 của thành phố Nam Định. Đồng thời nhấn mạnh, do có những đặc thù riêng về số lượng nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm, các điểm ngập úng nội đô nên công tác phòng, chống thiên tai của thành phố vất vả hơn so với các địa phương khác, chỉ cần mưa lớn đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Do đó, thành phố Nam Định cần quyết liệt bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và diễn biến của cơn bão số 3; đồng thời, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai, vào cuộc thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3. Phải đặt nhiệm vụ cần ưu tiên số 1 là bảo đảm an toàn cho người dân, làm tốt công tác di dời các hộ dân sinh sống tại các khu nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm; phải có lực lượng bảo vệ nhà cửa, tài sản giúp các hộ dân phải di dời. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiêu thoát chống ngập úng nội đô và đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp. Đối với các công trình, dự án đang thi công phải dừng thi công, thu dọn máy móc thiết bị, vật tư và bảo đảm không để ách tắc dòng chảy.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thành phố Nam Định cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác không ra đường trong trường hợp mưa to và có bão; tích cực cắt tỉa cành cây. Bố trí nhân lực trực 24/24 để kịp thời ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tiếp tục rà soát, bổ sung phương án ứng phó bão cụ thể của từng đơn vị. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để thực hiện hiệu quả việc ứng phó, xử lý khi phát sinh các sự cố, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, bảo đảm cung ứng điện cho tiêu thoát nước. Chủ động phương án và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện các phần việc liên quan đến khắc phục sau bão, nhất là công tác thu dọn cây xanh gãy đổ, thu dọn rác thải, vệ sinh môi trường, xử lý ngập úng./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin