Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ở cấp trung học phổ thông (THPT), hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thực hiện với mục tiêu giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và trung học cơ sở để có khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; biết tổ chức cuộc sống, công việc và quản lý bản thân trở thành người công dân có ích; đặc biệt, phải biết tự đánh giá năng lực, sở trường liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất, năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai. Tại Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc), thời gian qua nhà trường đã tích cực thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tạo nên một bầu không khí sôi động, môi trường giáo dục tươi mới, lành mạnh được phụ huynh học sinh đánh giá cao.
Học sinh Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) trải nghiệm bày mâm ngũ quả ngày Tết. |
Nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của trường với các chuyên mục cụ thể liên quan nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và đổi mới việc dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đẩy mạnh, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh một cách hiệu quả.
Nhà trường phối hợp chính quyền địa phương ở nơi có các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Mỹ Lộc để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tìm hiểu về nghề truyền thống của địa phương như nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Mỹ Tân; nghề dệt may truyền thống ở xã Mỹ Thắng... giúp học sinh có tư duy toàn diện, hiểu rõ hơn về ngành nghề lao động, kinh tế, lập nghiệp... để có ý thức định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Trường đã chủ động liên hệ, phối hợp với các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), các trung tâm tư vấn du học và xuất khẩu lao động, các doanh nhân thành đạt... tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và mời chuyên gia về trường tư vấn trực tiếp cho học sinh toàn trường và phụ huynh của các em. Hay phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức cho các em tham quan tại các trường ĐH, CĐ mà các em có nguyện vọng học tập; tổ chức cho học sinh tham gia các diễn đàn trực tuyến do các trường ĐH, CĐ, Đoàn Thanh niên, các đơn vị khởi nghiệp tổ chức. Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động: Tìm hiểu thông tin về các nhóm nghề trong xã hội và lựa chọn ngành nghề phù hợp; Giao lưu với nhà tuyển dụng; Tọa đàm chủ đề “Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT”; Tranh biện về chủ đề “Chọn nghề, chọn trường”. Bên cạnh đó, trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại các trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, nhà hàng, các doanh nghiệp... với các hoạt động như: Một ngày làm giáo viên; một ngày là điều dưỡng; một ngày làm đầu bếp, một ngày làm nhân viên văn phòng hoặc giám đốc doanh nghiệp...
Các hoạt động này đã cung cấp cho học sinh thông tin và cơ hội khám phá về các ngành nghề khác nhau, giúp các em có được cái nhìn tổng quan về các ngành nghề trong xã hội, học sinh có nhận thức sâu hơn về quá trình chọn nghề và chọn trường học. Việc trải nghiệm thực tế và hiểu rõ về ngành nghề giúp học sinh phát triển, rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng cho cơ hội tìm công việc sau này. Qua đó học sinh có cái nhìn cụ thể, thực tế về việc làm, yêu cầu và trách nhiệm của từng ngành nghề trong xã hội, từ đó xác định được ngành nghề phù hợp với đam mê, sở thích cá nhân, giúp các em và gia đình định hướng nghề nghiệp và lựa chọn hướng đi đúng trong tương lai. Cũng thông qua đó, trường mở rộng quan hệ hợp tác, tạo thêm cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp và tiếp cận thông tin tuyển dụng ở các ngành nghề mà học sinh quan tâm.
Nhà trường cũng phối hợp chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động nhân đạo, vì cộng đồng góp phần hình thành, bồi dưỡng phẩm chất nhân ái, tinh thần trách nhiệm, ý thức cống hiến qua các hoạt động như: Nấu cơm cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh; chăm sóc, giúp đỡ người già không nơi nương tựa; thăm trẻ được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Thánh An (Bùi Chu, huyện Xuân Trường); đi thăm, tặng quà cho các bạn ở Trường Dân tộc nội trú Phìn Hồ thuộc huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái; dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nhà trường và một số di tích lịch sử, văn hóa của địa phương; thắp hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Văn Lan; dọn vệ sinh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Mỹ Trung; trồng cây xanh đầu năm mới trong chương trình “Tết trồng cây” tại xã Mỹ Hà... Trường còn phối hợp Ban quản lý Khu di tích lịch sử - văn hoá đền Trần, Bảo tàng Đồng Quê, Bảo tàng tỉnh để giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh thông qua việc tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của các hiện vật, công trình được lưu giữ, trưng bày, bảo quản.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại nhà trường còn được thực hiện thông qua hoạt động của các mô hình câu lạc bộ (CLB): CLB Thể dục thể thao, CLB STEM, CLB Truyền thông... Đặc biệt, trường xây dựng chuỗi hoạt động trải nghiệm tận dụng các điều kiện hiện có của nhà trường để kích thích sự hứng thú và đam mê học tập của học sinh. Quá trình tham gia chuỗi hoạt động trải nghiệm, học sinh được phát triển và rèn luyện kỹ năng mềm quan trọng để thành công trong cuộc sống và công việc sau này như: làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, tổ chức, sáng tạo, quản lý thời gian. Như là tổ chức hoạt động “Sinh hoạt dưới cờ” theo chủ đề “Xây dựng nhà trường” với các hoạt động tìm hiểu về trường; thi thiết kế Nội quy lớp học; thi sáng tạo “Trần Văn Lan trong trái tim em”. Chủ đề “Khám phá, phát triển bản thân”, học sinh tham gia các hoạt động: Tọa đàm về mục đích học tập; biểu diễn văn nghệ chủ đề “Người phụ nữ Việt Nam”; thi cắm hoa chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); Văn nghệ chào mừng ngày “Nhà giáo Việt Nam 20/11”.
Từ việc nâng cao hiệu quả dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hầu hết học sinh nhà trường đều nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hình thành các phẩm chất, năng lực cá nhân; nhiệt tình tham gia, chủ động sáng tạo đề xuất các hoạt động trên cơ sở định hướng của thầy cô. Việc đổi mới nâng cao hiệu quả dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục của trường những năm gần đây; trong đó, điểm nổi bật là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Tỷ lệ học sinh lớp 12 xếp loại học lực Khá, Giỏi; học sinh lớp 10, 11 xếp loại Khá, Tốt tăng so với những năm học trước; tỷ lệ lên lớp đạt 100%; không có học sinh xếp loại học lực yếu.
Từ thực tế hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở Trường THPT Trần Văn Lan cho thấy: Để thực hiện tốt chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THPT, các nhà trường và giáo viên cần hiểu rõ vị trí, vai trò, bản chất của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình mới, từ đó hiểu các yêu cầu cần đạt đối với hoạt động này ở từng khối lớp. Đội ngũ giáo viên có vai trò lớn trong việc định hướng, phát hiện, “truyền lửa” cho học sinh, nên cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho giáo viên nhằm trang bị thêm những phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có hiệu quả, tránh hình thức, khuôn mẫu. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong nhà trường để học sinh có cơ hội được trải nghiệm thường xuyên với những hình thức đa dạng khác nhau ngay tại trường của mình.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin