Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp; 12.234 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), trong đó 2.097 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, 3.798 cơ sở do cơ quan Công an tỉnh và Công an cấp huyện quản lý, 8.436 cơ sở do UBND cấp xã quản lý; có 579.332 hộ gia đình kinh doanh, trong đó 14.980 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 142 làng nghề truyền thống đã và đang đặt ra cho công tác PCCC cần phải được tập trung, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) diễn tập chữa cháy tại chợ Rồng (thành phố Nam Định). |
Để chủ động phòng, ngừa nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), hàng năm Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo PCCC và CNCH các cấp ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về PCCC. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đơn vị cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC, ban hành nội quy, quy định và phương án, kế hoạch, phương án PCCC. Đồng thời triển khai các hoạt động thông tin, phổ biến chính sách, pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng mở rộng tuyên truyền, giáo dục đến các điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, trường học, làng nghề. Điển hình như Công an tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì phát sóng chuyên mục “Alo 114” định kỳ vào tối thứ Bảy tuần đầu hàng tháng; phối hợp cơ quan truyền thông đăng 637 lượt tin, bài viết, phóng sự, gửi 562.718 lượt tin nhắn SMS khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC; phối hợp tổ chức 6.345 lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng cho các đối tượng khác nhau; hướng dẫn treo 13.500 băng rôn, phát hành 10 nghìn tờ rơi; hướng dẫn cài đặt ứng dụng App “Báo cháy 114”;…
Công tác xây dựng lực lượng, trang bị và quản lý phương tiện, thiết bị PCCC được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được củng cố, kiện toàn về tổ chức, biên chế từ cấp tỉnh đến cơ sở; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ, pháp luật cho các cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH gồm 129 đồng chí được chia thành 7 đội phụ trách theo dõi các địa bàn khác nhau; bộ phận thực hiện công tác PCCC và CNCH cấp huyện bố trí 34 đồng chí kiêm nhiệm thuộc Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; cấp xã bố trí 541 đồng chí thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng. Lực lượng dân phòng được kiện toàn tổ chức tại tất cả các thôn (xóm), tổ dân phố với 2.148 đội dân phòng (tương ứng với 2.148 thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ở thời điểm 31/12/2023, đạt tỷ lệ 100%). Tổ chức triển khai phát động phong trào “Mỗi gia đình tự trang bị bình chữa cháy” trên toàn tỉnh; tổ chức vận động các hộ gia đình tự giác tháo dỡ lồng sắt “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn thứ hai. Công tác đầu tư trang thiết bị và quản lý phương tiện PCCC cho lực lượng PCCC và CNCH được Trung ương và tỉnh quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, CNCH khi xảy ra sự cố cháy nổ. Việc quản lý, bảo quản bảo dưỡng trang thiết bị được thực hiện tốt. Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) đang quản lý và sử dụng 17 xe chữa cháy; 8 xe trạm bơm, xe CNCH, xe thang; 3 xuồng CNCH, ca-nô chữa cháy, 1 xe cứu thương... Các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC cũng đã đầu tư các trang thiết bị PCCC theo quy định và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay mới để duy trì hoạt động của thiết bị, dụng cụ PCCC, đảm bảo công năng sử dụng khi có sự cố xảy ra. Có đơn vị đã tự trang bị xe chữa cháy để phục vụ công tác chữa cháy tại đơn vị và hỗ trợ các cơ sở trên địa bàn khi xảy ra cháy.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về PCCC được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra được cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH, UBND cấp xã thực hiện định kỳ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý; kiểm tra đột xuất theo chuyên đề, kế hoạch của Bộ Công an, của tỉnh. Bên cạnh đó, đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra PCCC đối với các cơ sở, loại hình nhà ở, kinh doanh karaoke theo chuyên đề. Trong 3 năm qua, đã kiểm tra 27.545 lượt cơ sở; kiến nghị hướng dẫn thực hiện 14.189 biện pháp an toàn; xử phạt vi phạm hành chính 1.176 trường hợp với số tiền phạt 9.291,15 triệu đồng; yêu cầu 250 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo an toàn PCCC tạm dừng hoạt động; tạm đình chỉ, đình chỉ 93 cơ sở. Sau kiểm tra, các cơ quan quản lý đã có sự đôn đốc, nhắc nhở đối với cơ sở trong việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu khắc phục mà đoàn kiểm tra đã nêu ra. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra PCCC liên ngành để tổ chức kiểm tra định kỳ về công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH với 4 đội nghiệp vụ, tổ chức thường trực 24/24 giờ tại 5 khu vực trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sẵn sàng, chủ động chữa cháy, CNCH trong mọi tình huống, thời điểm. Ở các địa phương, đơn vị công tác chữa cháy và CNCH được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Khi nhận được tin báo cháy, lực lượng PCCC và CNCH đã huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, trang thiết bị chuyên dụng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức chữa cháy từ nhiều hướng, CNCH, hướng dẫn thoát nạn. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng PCCC và CNCH đã huy động 86 lượt xe chữa cháy, xe chỉ huy, xe trạm bơm, 752 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy đối với 22 vụ; các vụ cháy được khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính chỉ khoảng gần 40 tỷ đồng.
Những chuyển biến tích cực trong công tác PCCC và CNCH đã góp phần bảo đảm tình hình trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin