Nghĩa Hưng đảm bảo "3 trước", "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai

08:23, 03/07/2024

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, huyện Nghĩa Hưng đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Phòng ngừa chủ động - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Diễn tập sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn tại xã Nghĩa Hồng.
Diễn tập sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn tại xã Nghĩa Hồng.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, năm 2024 sẽ có khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, tập trung chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 10, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, xuất hiện muộn vào tháng 10, 11. Nhiều năm qua, huyện Nghĩa Hưng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn như: bão, ATNĐ; mưa lớn; lũ ngập lụt; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; gió mạnh; sương mù trên biển và trên đất liền; nước dâng vùng biển ven bờ; lốc, sét, mưa đá, rét hại. Mặc dù các tuyến đê trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư nâng cấp, song về đê sông phần lớn chưa đủ mặt cắt thiết kế; nhiều đoạn mặt đê đã được cải tạo nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai (PCTT) trước mùa lũ bão năm nay của huyện, đoạn đê hữu sông Ninh Cơ từ K28+150 đến K40+580 thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong cao trình đê thấp; các tuyến đê khác nhiều đoạn sát chân đê là thùng đào, thùng đấu, ao hồ, bãi hẹp hoặc chân đê không có bãi như: đoạn đê, kè Chi Tây, kè 16... Về tuyến đê biển, từ K0 đến K24+303 thuộc địa bàn các xã, thị trấn Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Rạng Đông, Nam Điền, Nghĩa Hải có nhiều đoạn chưa được nâng cấp, cao trình mặt đê thấp, thân đê đắp bằng cát bọc đất thịt thường xuyên bị xói mòn sạt lở mái khi mưa bão, nước biển dâng. Với các công trình thủy lợi, một số cửa cống hàng năm được nạo vét song vẫn bị phù sa bồi lắng nhanh, đặc biệt như cống Quần Vinh 2 gây ảnh hưởng đến việc tiêu nước phục vụ cho sản xuất.

Ngay từ đầu năm nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực để chỉ đạo công tác PCTT năm 2024. Đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức, kinh nghiệm PCTT bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh, truyền thanh của các xã, thị trấn để các cơ quan, tổ chức, gia đình và mỗi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Hải đội 2 tích cực phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo tần số liên lạc PCTT và TKCN cho các phương tiện nghề cá trên địa bàn; tuyên truyền cho ngư dân, chủ phương tiện, thuyền trưởng chấp hành nghiêm luật pháp, các quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia trên sông, trên biển… và các quy định của địa phương. Động viên ngư dân tự giác khai báo ngư trường hoạt động, hỗ trợ bạn nghề và chủ động thực hiện tốt công tác tránh trú bão, ATNĐ khi có thông báo.

Năm nay, huyện xác định trên địa bàn có 8 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý trong công tác phòng chống lụt bão (PCLB), trong đó có trọng điểm cấp tỉnh là tuyến đê hữu sông Ninh Cơ đoạn từ K28+150 đến K39+00 và cửa sông Ninh từ K0 đến K1+500 đi qua các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong; huyện đã xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến. Công tác lãnh đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai, TKCN luôn được chính quyền, cấp ủy các cấp ở Nghĩa Hưng quan tâm, chú trọng và xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Công tác chuẩn bị, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện… được thực hiện bám sát theo phương châm “4 tại chỗ”. Về vật tư hộ đê, hiện huyện đã chuẩn bị trên 9.328m3 đá hộc, 85m3 đá dăm, 305m3 đá thu gom, 42,4m3 cấu kiện thu gom, gần 213 nghìn bao nilon, 88.467m2 bạt chống tràn, 13.606m2 vải lọc, 400 rọ thép… được tập kết tại các trọng điểm trên các tuyến đê tả sông Đào, đê tả sông Đáy, đê hữu sông Ninh Cơ và trên tuyến đê biển thị trấn Rạng Đông để phục vụ công tác PCLB. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn giao cho người dân chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như tre, chà rào, bao đất đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định; phương tiện vận tải như xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư, nhân lực ứng cứu khi có sự cố xảy ra. 

UBND huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã hoàn thành việc kiện toàn lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Toàn huyện đã xây dựng được lực lượng xung kích PCTT với gần 2.700 người. Trong tháng 6/2024, huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức diễn tập PCTT và TKCN tại khu vực cống phóng Thành An, xóm 9, xã Nghĩa Phong với nội dung thực hành xử lý tình huống lai dắt tàu, thuyền, cứu hộ cứu nạn trên sông Ninh Cơ; huy động lực lượng Dân quân cơ động, Dân quân tại chỗ, Công an, Đoàn Thanh niên và các lực lượng khác thực hiện xử lý tình huống cứu sập đổ nhà dân. Qua công tác diễn tập đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác PCTT và TKCN; bồi dưỡng nâng cao công tác tham mưu, lập phương án, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy điều hành của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn trong thực hiện tư tưởng chỉ đạo “3 trước” (nhận  diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước) và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời điều chỉnh, bổ sung các phương án sát với thực tiễn của các địa phương khi có tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra. 

Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để PCTT và TKCN hiệu quả, huyện đặt ra yêu cầu công tác chỉ đạo phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, liên tục, chặt chẽ cả trước, trong và sau thiên tai. Các đơn vị, địa phương luôn phải sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Khi có tình huống phức tạp, ngoài khả năng của địa phương, phải kịp thời báo cáo và đề xuất cấp trên hỗ trợ như sử dụng các phương tiện hiện đại, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn an toàn, đạt hiệu quả cao. Khi có tình huống xảy ra, đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để các nhiệm vụ; dùng mọi phương tiện, biện pháp để kêu gọi người, phương tiện về nơi trú ẩn an toàn; phối hợp tuyên truyền, vận động kết hợp cưỡng chế, di dời, sơ tán dân khẩn trương và quyết liệt, chủ động kiên quyết ngăn chặn không cho tàu, thuyền ra khơi, hoặc ở lại các lều, chòi, trên các tàu, thuyền khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Thực hiện trực ban, tuần tra nghiêm túc, báo cáo kịp thời để xử lý hiệu quả các sự cố xảy ra. Thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN góp phần bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com