Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đối với các dự án đầu tư công

08:46, 10/07/2024

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đối với các dự án đầu tư công (ĐTC), trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng đất đối với các dự án ĐTC trên địa bàn giai đoạn 2016-2023. Kết quả giám sát cho thấy, việc đầu tư xây dựng các dự án ĐTC, đặc biệt là dự án xây dựng các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) tập trung góp phần đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng, tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, thay đổi diện mạo và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Nguồn lực tài chính thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất của các KĐT, KDC tập trung đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển, bảo đảm thực hiện kế hoạch ĐTC của tỉnh.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng quỹ đất dự án đầu tư công tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng quỹ đất dự án đầu tư công tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường).

Tuy nhiên, qua giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận diện thực trạng và đã kiến nghị UBND tỉnh cần có biện pháp khắc phục các bất cập, hạn chế trong quản lý sử dụng đất đối với các dự án ĐTC trên địa bàn, bao gồm tình trạng: một số dự án gặp vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…); một số dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai, chưa bảo đảm điều kiện khởi công xây dựng công trình theo đúng quy định của Luật Xây dựng; một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung về diện tích đất, loại đất trong danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa khi triển khai trên thực tế; một số dự án xây dựng KĐT, KDC tập trung đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng vẫn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến khó khăn khi cân đối nguồn vốn cho một số dự án khác có sử dụng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại các KĐT, KDC tập trung; tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm, kéo dài.

Nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục, xử lý các bất cập, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các dự án ĐTC. Trong đó chú trọng bảo đảm việc sử dụng đất của các dự án đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, kế hoạch phát triển nhà ở và các quy hoạch khác có liên quan; bảo đảm nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, sớm hoàn thành công tác GPMB, khởi công và thi công xây dựng công trình đúng tiến độ, chất lượng theo chủ trương đầu tư được phê duyệt…

Bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương nâng cao chất lượng công tác đánh giá, giám sát đầu tư, thanh tra, kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng công trình. Qua đó, nắm bắt chặt chẽ hiện trạng, dữ liệu các công trình. Giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 216 dự án ĐTC được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, gồm: 67 dự án về giao thông; 16 dự án thuộc các khối ngành khác; 133 dự án hạ tầng các KĐT, KDC tập trung, khu tái định cư do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Trong đó có 28 dự án ĐTC tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh (Thường trực HĐND tỉnh), UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (còn 4 dự án đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán, 1 dự án chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu); 188 dự án ĐTC từ nguồn thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh (Thường trực HĐND tỉnh), UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (còn 9 dự án đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán, 1 dự án đang thi công nhưng chậm do vướng mắc GPMB, 1 dự án dừng thực hiện, 1 dự án đang điều chỉnh thời gian thực hiện của dự án). Bằng việc 100% các dự án ĐTC trong năm 2023 có báo cáo giám sát đầu tư gửi về Sở KH và ĐT để theo dõi, báo cáo UBND tỉnh và Bộ KH và ĐT theo quy định đã giúp Sở KH và ĐT kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc; nhận diện được các trường hợp bất khả năng không thể hoàn thành đúng tiến độ theo chủ trương đầu tư được duyệt, cần kéo dài thời gian thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện của dự án đầu tư theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương và chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục về thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất bảo đảm đúng quy định pháp luật về xây dựng. Rà soát, đôn đốc UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất lúa trên 10ha phải lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha trước khi trình UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất để triển khai thực hiện dự án. Riêng 2 dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa đã thi công xây dựng nhưng chưa có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ (dự án xây dựng tỉnh lộ 488 tại huyện Trực Ninh, dự án xây dựng tỉnh lộ 485B đoạn từ đê tả sông Đào đến Quốc lộ 21B đi qua địa bàn các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực) cũng đã được Sở TN và MT chủ trì, thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định. Trong đó, dự án xây dựng tỉnh lộ 485B đoạn từ đê tả sông Đào đến Quốc lộ 21B đi qua địa bàn các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử đụng đất; ngày 18/3/2024, UBND tỉnh có Tờ trình 25/TTr-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án.

Sở TN và MT cũng phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, môi trường và các lĩnh vực khác để đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nêu trong dự án. Hiện nay, còn một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông thuộc diện phải thu hồi đất, giao đất gồm: Dự án xây dựng tuyến đường huyện nối từ đê Tả Đáy đến đường 57B huyện Ý Yên; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tân Khánh - Liên Bảo huyện Vụ Bản; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thắng Hà huyện Mỹ Lộc; dự án xây dựng đường trục trung tâm huyện Hải Hậu (giai đoạn 1); dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 488B huyện Trực Ninh; dự án xây dựng tỉnh lộ 485B đoạn từ đê tả Đào đến Quốc lộ 21B; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.

Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát đối với các dự án theo lĩnh vực phụ trách chưa được cấp phép xây dựng liên quan đến hoạt động đê điều và kiến nghị giải pháp xử lý theo quy định đối với trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền. Thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các dự án có xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Theo đó, đã xác định trong 216 dự án ĐTC có sử dụng đất, GPMB được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/6/2023 có 15 dự án liên quan đến hoạt động quản lý đê điều. Cụ thể trong đó có 11 dự án đã được UBND tỉnh cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều; 1 dự án chưa thi công, đang thực hiện các thủ tục liên quan đến đê điều, đã có thoả thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đang hoàn thiện trình UBND tỉnh cấp phép; 3 dự án nâng cấp, xử lý cấp bách hệ thống đê điều, không phải cấp phép theo quy định của Luật Đê điều. Từ tháng 7/2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu văn bản hướng dẫn, yêu cầu đối với 42 dự án hạ tầng các KĐT, KDCTT, tái định cư do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư có sử dụng diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải tuân thủ theo các quy định về việc bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ đầu tư rà soát, xác định các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa thực hiện các thủ tục đấu nối vào quốc lộ, tỉnh lộ... theo quy định gồm Dự án xây dựng KĐT Cồn - Văn Lý cần đấu nối vào Quốc lộ 21, dự án cải tạo, nâng cấp đường Tân Khánh - Liên Bảo (Vụ Bản) cần đấu nối vào với Quốc lộ 37. Từ đó, đã hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án tiến hành các thủ tục hồ sơ đấu nối trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định...

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng... để khởi công xây dựng công trình đúng tiến độ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Đồng thời, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm triển khai, hoàn tất thi công, đưa các dự án ĐTC vào khai thác, sử dụng, nhất là đối với công tác GPMB các KĐT, KDCTT.

Tại phiên họp giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn và kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh từ sau kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 đến nay của UBND tỉnh diễn ra ngày 28/6/2024, Thường trực HĐND tỉnh đã đánh giá: “Bằng việc bám sát các kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án ĐTC trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng áp dụng đồng bộ các biện pháp thiết thực, hiệu quả”. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đối với các dự án ĐTC, UBND tỉnh xác định: Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp thiết thực, thời gian tới, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố sẽ chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. UBND các huyện, thành phố phải rà soát, đánh giá sự phù hợp của dự án đối với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tính khả thi của dự án ngay từ khâu đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các KĐT, KDCTT. Chủ đầu tư thực hiện các dự án phải đảm bảo lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công đáp ứng đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm; phải thực hiện báo cáo trên hệ thống thông tin giám sát và đánh giá đầu tư theo Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT ngày 30/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện nghiêm theo Điều 57 Luật Trồng trọt năm 2019 quy định về việc bảo vệ, sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa. Các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động các hộ dân ủng hộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm đưa vào thi công các dự án ĐTC.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com