Sáng 24/7, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình phòng, chống úng và khắc phục khó khăn bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2024 tại các địa phương trong tỉnh. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình phòng, chống úng và khắc phục sản xuất vụ mùa tại xã Hải Phương (Hải Hậu). |
Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 71,2 nghìn ha lúa mùa và 8,8 nghìn ha rau màu hè thu. Đến ngày 15/7, toàn tỉnh đã cấy, sạ được 65,55 nghìn ha, đạt 92% diện tích; trong đó gieo sạ 29,2 nghìn ha (41% diện tích). Các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu đã cơ bản gieo cấy xong... Đợt mưa lớn từ ngày 14/7 đến ngày 18/7/2024 trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện nên việc tiêu úng rất khó khăn, gây ngập úng và có nguy cơ gây thiệt hại nặng cho các trà lúa mùa. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 35 nghìn ha lúa (50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh. Theo báo cáo của các huyện, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đến ngày 18/7/2024, toàn tỉnh có hơn 42,2 nghìn ha lúa mùa bị ngập úng (59,3% diện tích), trong đó ngập trắng 30,71 nghìn ha, ngập phất phơ 6,19 nghìn ha, ngập sâu 2/3 cây lúa hơn 5,9 nghìn ha.
UBND tỉnh đã liên tục có các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống úng ngập, bảo vệ sản xuất vụ mùa: Công văn số 714/UBND ngày 17/7/2024 chỉ đạo tập trung phòng, chống ngập úng do mưa lớn và đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ các hồ thủy điện; Công văn số 721/UBND ngày 19/7/2024 về việc tập trung chống úng và khắc phục sản xuất lúa mùa 2024; Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 22/7/2014 về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và các Công ty KTCTTL đã tích cực tiêu rút nước đệm, tạm dừng cấy lúa. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đã vận hành hoạt động cơ bản số máy bơm tại các trạm bơm lớn; các Công ty KTCTTL của tỉnh tranh thủ thủy triều để mở cống tiêu rút nước cứu lúa, đồng thời vận hành các trạm bơm, máy bơm dã chiến để bơm tiêu cục bộ cho những diện tích bị ngập úng nặng. Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình ngập úng ở từng địa bàn; hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục; chủ động chỉ đạo và triển khai biện pháp gieo cấy bổ sung, khắc phục hậu quả đợt mưa úng... Nhờ đó, nhiều diện tích lúa mùa đã được tiêu úng nhanh.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra chất lượng mạ giống tại xã Trực Khang (Trực Ninh). |
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đi kiểm tra thực địa tại các xã: Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), Trực Khang (Trực Ninh), Hải Phương (Hải Hậu) là những địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lớn kéo dài. Tại những nơi đến kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bà con nông dân khi gieo cấy lúa mùa gặp thời tiết bất thuận. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, các địa phương cần tranh thủ tối đa thủy triều, huy động các loại máy bơm tổ chức tiêu úng nhanh để cứu lúa. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà và các Công ty thủy nông vùng động lực tranh thủ tối đa thời gian và công suất máy bơm để bơm tiêu; vận hành các trạm bơm nhỏ và máy bơm dã chiến để bơm chuyển. Các Công ty KTCTTL phía nam tỉnh tranh thủ tối đa thủy triều, vận hành các phương án tiêu nước; kiểm tra và chủ động máy bơm điện, bơm dầu để huy động bơm nước tiêu úng khi cần thiết.
Khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc lúa mùa kịp thời, phù hợp: Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại nặng (trên 50%), không có khả năng phục hồi phải khẩn trương tổ chức gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền đảm bảo cấy xong trước ngày 8/8/2024. Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại dưới 50%, còn khả năng hồi phục tổ chức cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dư, mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày. Các huyện, thành phố phân công cán bộ tăng cường về các cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả mưa bão. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tự đánh giá, thống kê thiệt hại lúa, thủy sản theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Tin, ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin