Phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng

11:02, 27/06/2024

Ngày 27/6, Sở Xây dựng đã phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Công ty Autodesk tổ chức Hội thảo phổ biến lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng cho cán bộ lãnh đạo các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý Đô thị thành phố Nam Định, các Ban Quản lý xây dựng, các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

BIM được hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”. Đây là công cụ chính để cụ thể hoá nhiệm vụ số hoá của ngành Xây dựng, để triển khai quản lý xây dựng thông minh và là nhân tố chủ chốt để quản lý hạ tầng kỹ thuật thông minh cũng như quản lý và phát triển đô thị thông minh. Việc áp dụng mô hình BIM vào nền tảng GIS (hệ thống thông tin địa lý) sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có thể quản lý quy hoạch, quản lý các thông tin công trình, địa lý hiệu quả hơn; thông qua đó, sẽ tận dụng được các dữ liệu này để phân tích, tối ưu và ra các quyết định về quản lý quy hoạch, vận hành, đầu tư đô thị hiệu quả hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nội dung chính của Quyết định số 258/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Theo đó, mô hình BIM áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án sử dụng vốn khác. Việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...).

Theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, lộ trình áp dụng mô hình BIM gồm 2 giai đoạn: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Tin, ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com