Hải Hậu củng cố hệ thống đê điều sẵn sàng ứng phó với thiên tai

08:16, 12/06/2024

Là địa phương ven biển của tỉnh nên huyện Hải Hậu luôn xác định công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư tu bổ, sửa chữa, củng cố hệ thống đê điều, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương và người dân sẵn sàng vận hành các phương án ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xử lý khắc phục sự cố tại kè Hải Thịnh 3.
Xử lý khắc phục sự cố tại kè Hải Thịnh 3.

Thời gian qua, hệ thống đê biển của huyện Hải Hậu đã từng bước được kiên cố hoá. Trong tổng số 29km đê biển trên địa bàn huyện đã nâng cấp, cứng hóa mặt đê được 27,376km; khả năng chống được bão cấp 9, cấp 10. Có 3 hệ thống mỏ kè chữ T là: 9 mỏ kè Kiên Chính; 13 mỏ kè Hạ Trại - Táo Khoai và 5 mỏ kè Hải Thịnh 2. Huyện đã nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng Dự án cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu tỉnh Nam Định gồm các hạng mục: Hoàn thiện mặt cắt, gia cố mái tại 2 vị trí trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ từ K12+480 đến K14+370 dài 1,89km thuộc địa phận xã Hải Trung; từ K40 đến K43+212 dài 3,212km thuộc địa phận 2 xã Hải Ninh, Hải Châu. Dự án duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2023 tỉnh Nam Định đã thi công xong và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ: Gia cố mặt đê từ K32+838 đến K33+200; tu sửa kè Giáp Quý đoạn từ K37 đến K37+290; phát quang mái đê từ K15 đến K16; lắp biển ranh giới.

UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xử lý cấp bách giờ đầu các sự cố do bão, các đợt gió mùa và mưa lớn gây ra đối với một số sự cố công trình đê biển gồm: Sửa chữa kè Táo Khoai; mỏ kè Hải Thịnh 2; kè Hải Thịnh 3. Tập trung xử lý kịp thời các sự cố đê, kè tại kè Táo Khoai, xã Hải Hòa; kè mỏ Hải Thịnh 2 và 3 với tổng diện tích bị sạt, sập, lún võng là 463,5m2. Đã sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình cống dưới đê, cống đập điều tiết nội đồng. Các công trình đầu mối dưới đê được bảo dưỡng, cạo hà, sơn cánh, thay thế các thiết bị, cánh phai, đảm bảo 100% công trình vận hành an toàn, phục vụ công tác PCTT và đời sống dân sinh. Trên toàn tuyến đê có 14 cống qua đê, kè Cồn Tròn mới được tu sửa mái kè và làm thềm cơ giảm sóng đoạn từ K20+235 đến K21+335 dài 1,1km…

Mặc dù tuyến đê biển, đê sông đã cơ bản được kiên cố, nâng cấp bằng việc lát mái cấu kiện bê tông hoặc xây đá, mặt đê được đổ bê tông, song phần lớn các đoạn đê biển trên địa bàn huyện là đê một tuyến và nằm trên nền đất yếu, bị xuống cấp, mặt đê bị lún nứt, mái đê phía đồng dễ bị sạt lở khi mưa lớn hoặc sóng tràn qua mặt đê. Bờ biển vẫn nằm trong vùng “biển tiến bãi thoái”. Bãi bồi phía biển bị hạ thấp, nhất là đoạn Cồn Tròn, Hải Thịnh 3, kè mỏ Hải Thịnh 2, dòng chảy áp sát chân đê nên mỗi khi gặp triều cường cùng gió mạnh tạo sóng lớn áp sát thân đê hoặc mưa lớn gây sạt lở mái đê, kè. Hệ thống đê sông, đê cửa sông của huyện bao gồm: Đê tả sông Ninh Cơ dài 14,322km, trên tuyến đê có 1 trọng điểm xung yếu cấp huyện là bối Đồng Gò thuộc xã Hải Minh; đê cửa sông tả Ninh Cơ dài 7,291km, trên tuyến có trọng điểm Cống 1/5 đã xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu PCTT, cần xây dựng mới. Đê hữu sông Sò dài 4,359km, đê cửa sông hữu Sò dài 2,18km đều được đắp nâng cấp, cứng hóa; những đoạn chỉnh tuyến đi theo đê vẫn còn các cống dưới đê chưa được đầu tư xây mới nên vẫn phải tận dụng 7 cống nuôi trồng thủy sản cũ, các cống này đều nhỏ và cao trình thấp nên không đảm bảo an toàn cho công tác PCTT.

Trong nhiệm vụ PCTT năm nay, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu trước mắt là bảo vệ an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi; nhất là các công trình trọng điểm PCTT và bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân, vụ mùa 2024; không để úng hạn gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT đã đề ra, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, đầy đủ diễn biến của thời tiết, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đến đời sống và sản xuất; nâng cao nhận thức, tính kỷ luật, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Tăng cường tuyên truyền Luật Đê điều, Luật PCTT và các văn bản pháp luật liên quan đến đê điều và thủy lợi; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 23/8/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước; quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh… Tích cực vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ đê điều, chủ động vệ sinh mặt đê, mái kè...

Công tác chuẩn bị vật tư dự trữ sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra được huyện đặc biệt quan tâm. Hiện nay, vật tư dự trữ của tỉnh tại huyện gồm có 3.643,42m3 đá hộc, trong đó tại tuyến đê biển có 2.365,75m3 và 1.277,67m3 trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ. Đá dự trữ của tuyến đê biển được tập kết tại các xã: Hải Đông (tại Xuân Hà 318,85m3), Hải Lý (đầu đường 21 Văn Lý 738,7m3), Hải Hoà (đê Táo Khoai 443,2m3, Cồn Tròn 500m3), thị trấn Thịnh Long (nhà đo sóng 365m3); trên tuyến đê sông tại xã: Hải Ninh (cống Giáp Quý 450,26m3), Hải An (cống Ngòi Cau 209,93m3), Hải Trung (cống Phạm Rỵ 617,48m3); đá thu gom 1.903m3 trên tuyến đê biển Hải Chính. Ngoài ra còn có 50.902m2 bạt chống; 167,8 nghìn bao tải; 782 chiếc rọ thép, 3.655 chiếc bao dăm, 11,78 nghìn m2 vải lọc và 3.232 cấu kiện bê tông đúc sẵn. Cùng với việc quản lý tốt nguồn vật tư dự trữ của tỉnh tại địa bàn, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chấp hành nghiêm quy định về thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là đảm bảo đủ số lượng, chất lượng về lực lượng, phương tiện thường trực và vật tư dự trữ; phải tiến hành kiểm kê lại số vật tư dự trữ đã có trong kho, có biện pháp tổ chức thay thế, bổ sung vật tư dự trữ cho đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, tập kết về đúng vị trí và thời gian quy định. UBND huyện giao trách nhiệm cụ thể, về nhân lực các xã, thị trấn có đê sông, đê biển huy động 200 lao động thường trực tại xã và 50 lao động xung kích thường trực tại mỗi trọng điểm; các xã, thị trấn nội đồng mỗi đơn vị huy động 100 lao động thường trực tại địa phương. Về phương tiện, mỗi xã, thị trấn huy động từ 2-3 xe tải dự phòng trở lên để chở vật tư hộ đê; riêng các xã, thị trấn có trọng điểm huy động 3-4 xe chở khách để sơ tán dân. Tiếp tục giao ổn định số vật tư thiết yếu PCTT dự trữ tại các xã, thị trấn là 118.430 bao tải, 158.380 cọc tre, phi lao…

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, lực lượng quản lý đê nhân dân thường xuyên được kiện toàn, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Toàn huyện có 23 cán bộ quản lý đê nhân dân là lực lượng cán bộ giao thông, thủy lợi của các xã, thị trấn có kinh nghiệm, trách nhiệm và thực hiện tốt Quy chế hoạt động quản lý đê nhân dân. Lực lượng này luôn chủ động kiểm tra, phát hiện, báo cáo kịp thời những sự cố, vi phạm về đê điều thuộc án phận được giao để có biện pháp xử lý; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đề xuất các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê, kè, cống.

Tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ, sửa chữa hệ thống đê điều là biện pháp hữu hiệu để Hải Hậu ứng biến hiệu quả trước các hiểm họa thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt với những cơn bão to, siêu bão kết hợp với triều cường có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không còn theo quy luật tự nhiên trong mùa mưa, bão.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com