Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn

14:41, 15/02/2024

Sáng 15/2 (mồng 6 Tết), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình chăm lo, bảo đảm Tết Nguyên đán, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã tổ chức trực, ứng trực thường xuyên trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; triển khai đúng, đủ, kịp thời, có đổi mới các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các hoạt động tri ân, nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Hàng hóa trong dịp Tết dồi dào, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định, nhất là các mặt hàng thiết yếu; hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc; nhiều công trường, nhà máy duy trì hoạt động xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; giao thông vận tải cơ bản thông suốt, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm nếp sống văn minh, nhất là đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; nhân dân ta đã đón Tết Giáp Thìn 2024 trong không khí vui tươi, đầm ấm, nghĩa tình, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã rà soát, nắm tình hình và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, có đổi mới; tổ chức chuyển quà của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các đối tượng theo quy định; bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Cụ thể: thực hiện Chương trình số 131-CTr/TW ngày 5/1/2024 của Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là gần 646 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.379 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 2.737 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo các Bộ Ban ngành tham dự.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Ban ngành tham dự.

Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.745 tỷ đồng (tăng 745 tỷ đồng so dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ gạo cho người dân tại 18 tỉnh gặp khó khăn. Theo đó, đã xuất cấp 10.401 tấn gạo cứu đói cho 103.723 hộ với 693.400 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và 2.335,9 tấn gạo cứu đói cho 33.042 hộ với 155.727 nhân khẩu dịp giáp hạt đầu năm 2024.

Các địa phương hỗ trợ gần 5.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Tổng cộng, cả trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.

Thực hiện chu đáo, đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai sót trong quá trình chi trả và chậm trễ thời gian chi trả trợ cấp cho đối tượng; thực hiện chi trả trợ cấp tháng 1 và 2 trong cùng kỳ chi trả tháng 1/2024. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến là từ 300.000 - 500.000 đồng/đối tượng; tăng bình quân từ 10 - 15% so với năm 2023; một số địa phương đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ ở mức cao hơn.

Tính chung trong dịp Tết Nguyên đán, đã có trên 1,07 triệu lượt người cao tuổi được chúc thọ và tặng quà Tết với tổng trị giá trên 600 tỷ đồng; gần 1,85 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà với tổng trị giá trên 1.091 tỷ đồng; hơn 1,64 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà với tổng trị giá gần 754,4 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Các cấp công đoàn cùng phối hợp doanh nghiệp và toàn xã hội hỗ trợ cho gần 7,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ bằng tiền mặt từ 500.000 đồng/người); nhiều đoàn viên, người lao động được nhận quà, thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tổng số tiền thăm, tặng quà cho trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động (cùng kỳ là 6,5 triệu lượt) với tổng kinh phí hơn 5.050 tỷ đồng (cùng kỳ là 4.581 tỷ đồng), trong đó nguồn xã hội hóa gần 2.195 tỷ đồng, chiếm 43,46%.

Tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Về thưởng Tết Nguyên đán: có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho 3,33 triệu lao động với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp tết, người lao động còn được tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ khác (như tặng quà, tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tàu xe, bố trí xe đưa đón…).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; công nhân vệ sinh môi trường, người lao động trực, làm việc, thi công xuyên Tết, “3 ca, 4 kíp ” trên các công trường, nhà máy...

Lãnh đạo các Bộ ban ngành tham dự hội nghị.
Lãnh đạo các Bộ ban ngành tham dự hội nghị.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, cảm ơn đánh giá cao các lực lượng ứng trực trên các lĩnh vực, nhất là bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biên cương; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người dân trong dịp vui Xuân đón Tết; bảo đảm cho đất nước ta “sáng, xanh, sạch, đẹp”, an toàn; phục vụ đắc lực, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư, Chính phủ.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Chính phủ đã tổ chức cho nhân dân vui Xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.

Thủ tướng nêu rõ, năm nay là năm đầu tiên, Việt Nam thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc: theo đó, các cấp, các ngành, địa phương đã bảo đảm không thiếu hàng, không đội giá, lương thực, thực phẩm dồi dào; an sinh xã hội được làm tốt, chăm lo cho người dân, các đối tượng chính sách, người yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các lực lượng ứng trực; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nhiều nhà lãnh đạo đã gửi điện chúc mừng Tết Nguyên đán của Việt Nam; người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức vui Xuân đón Tết, góp phần quảng bá văn hóa của văn hóa của Việt Nam; đã tổ chức cho tất cả các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi các vùng miền, thăm chúc Tết các đối tượng chính sách, các lực lượng vũ trang, ứng trực Tết; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là quảng bá, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa, xây dựng nhiều chương trình cho nhân dân đón Tết, tạo không khí vui tươi; các lễ hội đầu Xuân cơ bản vui tươi, lành mạnh, du lịch khởi sắc, khách quốc tế đến Việt Nam cao gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái; các lực lượng ứng trực, phục vụ nghiêm túc người dân trong Tết; các dự án trọng điểm quốc gia vẫn được triển khai trong Tết; các doanh nghiệp, chính quyền các cấp làm tốt công tác an sinh xã hội, người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm không có ai không có Tết, không để ai bị bỏ lại ở phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, còn một số vấn đề đáng chú ý như số vụ tai nạn giao thông đường bộ tăng lên; tắc nghẽn giao thông, cháy nổ vẫn còn. Qua kinh nghiệm tổ chức Tết lần này, Thủ tướng nêu rõ, có thể rút ra bài học kinh nghiệm, đó là chủ động thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, ban hành kịp thời Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm các Chỉ thị này. Chủ động, tích cực bố trí hàng hóa tăng thêm, kiểm soát giá cả tốt hơn, không có khan hàng, không có sốt giá, cung ứng kịp thời các hàng hóa thiết yếu dịp Tết; bảo đảm cung ứng đủ điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm; huy động cả hệ thống chính trị chăm lo Tết cho nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; các chương trình văn hóa, lễ hội được xây dựng công phu, tạo thêm khí thế, truyền cảm hứng, tạo động lực mới; đã động viên kịp thời các lực lượng ứng trực; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân các kỹ năng, biện pháp để ăn Tết vui tươi, lành mạnh…

Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tiếp tục bảo đảm công tác an sinh xã hội, thực hiện đúng Nghị quyết của Trung ương với mục tiêu toàn diện, bao trùm, hiện đại, bền vững; bảo đảm các lễ hội sau Tết an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục chăm lo bảo vệ sức khoẻ của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, cương quyết vô hiệu hóa, làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chia rẽ, chống phá của các thế lực thù địch; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com