Xuân về trên xứ đạo
.

Xuân về trên xứ đạo

07:22, 14/02/2024

Năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp Tết, gia đình anh Tạ Đình Việt, xóm 1, giáo xứ Trung Lao, một trong những gia đình Công giáo tiêu biểu xã Trung Đông (Trực Ninh) lại tất bật chỉnh trang nhà cửa, chuẩn bị thật nhiều thực phẩm ngon để đón các con, cháu, anh em họ hàng ở nơi xa về quê ăn Tết. Kế thừa, “giữ lửa” nghề mộc truyền thống từ thời ông cha, sau khi lập gia đình riêng, anh Việt nhanh chóng mở xưởng mộc. Từ đó anh có điều kiện nuôi dạy con cái học hành, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tết đến, dù bận rộn bao nhiêu, cách Tết khoảng 1 tuần anh Việt cũng “nhất khoát” đóng cửa xưởng.

Cũng như các gia đình giáo dân trong xứ Trung Lao, những ngày Tết đối với gia đình anh Việt là những ngày vui, ngày của yêu thương và chia sẻ. Đại gia đình có dịp quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa, thao thức chờ đón thời khắc Giao thừa, trò chuyện, thăm hỏi họ hàng, làng xóm. Các con, cháu ở xa về thích thú chạy nhảy, nô đùa quanh khoảng sân rộng trước nhà, được người lớn mừng tuổi đầu năm. Chiều 30 Tết, cả nhà tươm tất, xúng xính trong những bộ quần áo mới ra nhà thờ dự lễ cầu bình an. 22 giờ 30 phút đêm 30 Tết, hoà chung không khí đón Xuân của cả xứ, gia đình anh Việt vui vẻ thưởng thức những tiết mục hoan ca vang dội của khoảng 200 tay kèn đồng từ thánh đường Nhà thờ Trung Lao. Tham dự lễ, giáo dân còn được cha xứ chúc Tết với những điều tốt đẹp nhất. Mỗi buổi sớm 3 ngày đầu năm mới, bà con giáo xứ đều đến nhà thờ dâng thánh lễ trong không khí trang nghiêm, ấm áp, cầu chúc những điều tốt lành.

Được biết, xã Trung Đông hiện có 47% dân số theo đạo Công giáo, trong đó Trung Lao là xứ toàn tòng. Xứ có 1 nhà thờ, 3 họ đạo và Nhà dòng Đa Minh nuôi dưỡng khoảng 30 trẻ mồ côi. Với tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào giáo dân Trung Lao mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại… Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xã từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ, thương mại và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các nghề thêu ren xuất khẩu, mộc mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống được duy trì phát triển sôi động kéo theo một số ngành nghề mới như chế biến lâm sản, cơ khí, xây dựng đi vào hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Số hộ khá và giàu trong xã tăng nhanh, hộ nghèo giảm còn 1,38%, thu nhập bình quân đầu người trong xứ đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Không chỉ hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, bà con giáo dân Trung Lao còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM),  xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa - NTM”. Đến nay giáo xứ có 91% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, trong đó có 10% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá tiên tiến”. 

Từ Nhà thờ Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), phóng tầm mắt bao quát toàn giáo xứ, chúng tôi thấy hàng trăm ngôi nhà cao tầng kiên cố nằm san sát cạnh nhau soi bóng xuống dòng sông trong vắt. Sát Tết, giáo xứ càng trở nên lung linh hơn trong ánh sáng của những cây thông cỡ lớn được trang trí đèn nháy và những dải cờ đuôi nheo màu sắc. Ông Phạm Công Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Xuân Dục vui vẻ cho biết: “Xuân Dục là giáo xứ toàn tòng có chiều dài khoảng 1km, nằm ở phía nam của xã Xuân Ninh, có ranh giới tiếp giáp các xã Hải Hưng, Hải Bắc và Hải Trung của huyện Hải Hậu gồm 1.200 hộ dân, 4.300 nhân khẩu. Bà con giáo dân trong xứ luôn tâm niệm lời giáo huấn “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không phân biệt lương, giáo, bà con luôn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, ấm no”. 

Đến nay, giáo xứ có nhiều hộ gia đình có kinh tế khá, giàu, hầu hết xây được nhà kiên cố, khang trang, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây dựng quê hương, đầu tư cho giáo dục, khuyến học, khuyến tài và các hoạt động an sinh xã hội. Từ đầu năm 2023 đến nay, giáo dân Xuân Dục đã đóng góp kinh phí xây cầu Đại Nam, trị giá gần 300 triệu đồng; đổ bê tông 4 dong ngõ, chiều dài gần 1km, trị giá 1 tỷ đồng; sơn, sửa nhà thờ, khuôn viên thánh đường rộng trên 3.000m2. Trong xứ hầu như không có các tai, tệ nạn xã hội như ma tuý, trộm cắp… Cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhiều năm liên tục Xuân Dục được công nhận là “Xứ, họ đạo tiên tiến”…

Trong niềm hân hoan đón chào Xuân mới của đất nước, quê hương, những ngày Tết đến, giáo xứ Xuân Dục cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ vui tươi đặc sắc. Theo ông Phạm Công Chính, đêm Giao thừa cũng là một trong những khoảnh khắc thiêng liêng của người Công giáo trong xứ. Dịp này, giáo xứ tổ chức cho giáo dân đón năm mới trong nhà thờ, người dân gửi lời chúc sức khoẻ, bình an đến cha xứ và người đứng đầu nhà thờ sẽ in những câu chúc năm mới tốt lành tặng giáo dân. Sáng mùng 2 Tết, bà con giáo dân trong xứ sắm sửa nến, hoa ra lễ tại các nghĩa trang, gửi những lời cầu nguyện bình an đến tổ tiên, các bậc tiền nhân. Trong ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, Ban giới trẻ và giáo lý xứ còn tổ chức các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian cho thanh, thiếu niên. Ngày mùng 5 Tết, sinh viên trong xứ cùng nhau đốt lửa trại, phát động năm học mới… Đặc biệt, với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đều đặn hàng năm, giáo xứ phát 300-400 suất quà Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Cái lạnh của những ngày đông giá dần lùi xa, nhường chỗ cho nắng Xuân nồng nàn tràn ngập từng ngõ phố, làng quê. Nguyện ước một năm mới an lành, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh nói chung luôn nêu cao tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Rời các xứ đạo trong tiếng chuông ngân nga, trong sắc màu rực rỡ của đào, mai khoe sắc, trong chộn rộn tiếng vui cười, phấn khởi, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào một mùa xuân mới sung túc, an lành, hạnh phúc đang “gõ cửa” các vùng quê trên địa bàn tỉnh./.

Bài : Hoa Xuân
Ảnh: Hoa Xuân, Thanh Tuấn

 



Xem thêm bình luận