Trong những năm qua, huyện Ý Yên phát triển mạnh mẽ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ đầu mối, cửa hàng thương mại, điện máy, đô thị hóa nông thôn.., tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó cũng đã và đang đặt ra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cần phải được tập trung, triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Vận động viên tham gia Hội thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện Ý Yên năm 2023. |
Đồng chí Mai Thanh Hải, Giám đốc Điện lực Ý Yên cho biết: Với khối lượng quản lý gần trên 500 trạm biến áp phân phối, 1.450km đường dây hạ thế và 97.635 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn, Điện lực Ý Yên luôn xác định công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhằm nâng cao kiến thức và khả năng ứng phó với các sự cố cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Điện lực Ý Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống cháy nổ, nắm vững các quy định, sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện, thực hiện tốt công tác PCCC. Tất cả cán bộ, công nhân viên được phổ biến và được tham gia diễn tập chữa cháy tại hiện trường… Cùng với đó, Điện lực Ý Yên tổ chức phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy nổ tại đơn vị, cơ sở… nhằm đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định và liên tục. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn cũng như quan tâm đầu tư trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị PCCC nên ý thức về PCCC trong đội ngũ cán bộ, công nhân của đơn vị đã từng bước được nâng lên. Nhiều năm liền công ty luôn đảm bảo hoạt động an toàn, không để xảy ra vụ cháy nổ.
Cùng với Điện lực Ý Yên, các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về công tác PCCC đến từng khu vực dân cư trên địa bàn; gắn phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phong trào “Toàn dân tích cực tham gia PCCC”; tích cực nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; cử các đội tuyển tham gia Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hàng năm do UBND huyện tổ chức; trang bị các phương tiện PCCC, có niêm yết các nội quy phòng PCCC tại cơ quan, đơn vị... Qua đó đã nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện chữa cháy, xử lý kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu tối đa hậu quả do cháy nổ có thể xảy ra.
Đồng chí Trần Bình Định, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ huyện Ý Yên cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 3.269 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC ở 3 phân cấp. Trong đó Phòng Cảnh sát PCCC - cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh lập hồ sơ theo dõi, quản lý 312 cơ sở; 874 cơ sở thuộc quản lý của Công an huyện và 2.083 cơ sở UBND cấp xã, thị trấn lập hồ sơ theo dõi, quản lý. Để công tác PCCC trở thành nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương, huyện luôn quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và cứu hộ, cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cho các thành viên theo lĩnh vực phụ trách. UBND huyện thực hiện nghiêm túc việc quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC đến tất cả các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức các quy định về an toàn PCCC như: kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy; nâng cao vai trò, trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, chủ hộ gia đình, nhất là ý thức chấp hành của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc ngắt cầu dao, nguồn điện khi hết giờ làm việc, khi đi vắng không để xảy ra cháy, nổ; tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trên địa bàn. Vận động các hộ gia đình tự giác tháo dỡ chuồng cọp tại các ban công, mở lối thoát nạn thứ 2; trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay…; tổ chức cho 100% các hộ dân ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Công an tỉnh tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng; chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát hệ thống giao thông trên địa bàn đáp ứng được yêu cầu PCCC khi thực hiện nhiệm vụ; yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định về PCCC; các đơn vị thi công phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.
Cùng với đó, hoạt động của các lực lượng nòng cốt trong phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” thường xuyên được quan tâm, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến nay, các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã thành lập được 360 đội dân phòng với 2.299 đội viên. Công tác PCCC tại trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về PCCC cũng được thực hiện thường xuyên. Lực lượng Công an huyện Ý Yên đã tích cực phối hợp với phòng chức năng Công an tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, đề xuất kiến nghị về công tác PCCC và xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Với việc triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, công tác PCCC đã có chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ và chấp hành tốt các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ được nâng lên. Do vậy, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Ý Yên không xảy ra vụ cháy, nổ, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, các tổ chức, cơ sở và người dân trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Kiện toàn, củng cố lực lượng làm việc tại chỗ làm công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn tại khu dân cư, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin