Sản xuất vụ xuân 2023 đã kết thúc trong sự phấn khởi của người dân bởi năng suất, sản lượng và giá trị thu được đều tăng so với vụ xuân năm 2022. Có được kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân, trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng cánh đồng lớn phát triển sản xuất nông sản hàng hóa...
Nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) thu hoạch lúa xuân 2023. |
Bác Phan Văn Vỹ ở thôn Bỉnh Di Đông, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) cho biết: “Vụ xuân năm 2023, gia đình tôi cấy 4,8 sào lúa bằng giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá. Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ theo chỉ đạo của hợp tác xã (HTX) và chăm sóc tốt cộng với thời tiết thuận lợi nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao, năng suất ước đạt 2,5 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Chúng tôi rất vui khi có thêm một vụ lúa xuân thắng lợi”. Không chỉ ở Giao Thịnh mà hầu hết bà con nông dân trong tỉnh đều có niềm vui được mùa. Các trà lúa chín đều và cho năng suất khá cao, giúp cho việc thu hoạch của bà con nông dân thuận lợi, nhanh gọn; chỉ từ ngày 30-5 đến 12-6 toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa xuân. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), vụ xuân 2023 toàn tỉnh gieo cấy 70.394ha, giảm 613ha so với vụ xuân năm 2022. Các địa phương gieo trồng 11.899ha rau màu các loại, tăng 60ha so với vụ xuân 2022; trong đó cây lạc 3.922ha, ngô 898ha… Đánh giá về kết quả sản xuất vụ xuân vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Sản xuất vụ xuân được triển khai trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa, các loại cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, có độ đồng đều cao và cho năng suất cao hơn vụ xuân năm ngoái. Cụ thể, năng suất lúa ước đạt 69,51 tạ/ha, cao hơn 0,05 tạ/ha so với vụ xuân 2022; năng suất và giá bán các loại rau màu tương đương so cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu giống lúa lai đạt 4.922ha, chiếm 7% diện tích; giống lúa thuần 93% diện tích, trong đó giống lúa Bắc thơm 7 chiếm 59% diện tích. Cơ giới hóa 100% khâu làm đất, cấy lúa bằng máy đạt gần 20% diện tích, phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ đạt 100% diện tích và thu hoạch bằng máy gặt đạt 96% diện tích. Các huyện, thành phố đã xây dựng được 215 cánh đồng lớn sản xuất lúa, cây màu tập trung với tổng diện tích 10.640ha, trong đó có 1.227ha lúa, cây màu được bao tiêu sản phẩm.
Đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 1.000ha, tiêu biểu là mô hình sản xuất giống lúa của Công ty TNHH Cường Tân tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu của Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Hải Đường, Hải An, Hải Ninh, Hải Giang, Hải Phú (Hải Hậu) và Nghĩa Minh, Nghĩa Đồng, Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); mô hình sản xuất các loại rau màu tại các xã Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên), Giao Lạc (Giao Thủy), Trực Hùng (Trực Ninh)… Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết: Công ty đã liên kết với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên, xã Hải Hưng (Hải Hậu) và 4 hộ nông dân triển khai áp dụng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên diện tích 26ha. Mô hình gieo cấy bằng giống lúa ST25 và sử dụng phân bón hữu cơ “Năm con bò”. Theo ông Vũ Trọng Huân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên cho biết: “Kết quả lúa được bón bằng phân hữu cơ cho thấy lúa chín đều, năng suất tăng từ 10-15% so với diện tích đối chứng, chất lượng gạo thơm ngon hơn; cần tiếp tục nhân rộng trong những vụ tiếp theo”. Là đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm phân hữu cơ “Năm con bò”, thời gian tới Công ty TNHH Toản Xuân tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sử dụng phân bón hữu cơ này cho toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Công ty với hơn 30 HTX và hộ nông dân trong tỉnh. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ xuân 2023 đã có gần 300ha sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho các loại phân vô cơ. Cùng với việc đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, chương trình sản xuất giống lúa lai F1 tiếp tục được duy trì. Toàn tỉnh tổ chức sản xuất 425ha lúa giống gồm 180ha tổ hợp giống lúa lai Nhị ưu 838, giống CT16 là 125ha, gần 100ha giống Lai thơm 6 và 20ha Ly 2099.
Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên những kết quả cao trong sản xuất vụ xuân vừa qua chính là sự dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư mua máy cấy, tích cực tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn của những nông dân tiên phong đổi mới tư duy sản xuất. Mặc dù chưa phải là hộ có diện tích ruộng tích tụ nhiều nhất xã, nhưng vợ chồng anh Tiến, chị Khoa ở HTX Bảo Xuyên, xã Liên Bảo đã mạnh dạn đầu tư mua máy làm đất, máy cấy - mạ khay vào sản xuất. Những thửa ruộng với quy mô gần 3ha do vợ chồng anh tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, chăm sóc đã ít sâu bệnh lại cho năng suất cao, chất lượng thóc gạo tốt nên đạt giá trị kinh tế cao. Chị Khoa cho biết: Vợ chồng tôi tiếc các diện tích ruộng trước đây vốn là “bờ xôi ruộng mật” nhưng bà con không cấy bởi lao động trẻ đi làm ở các khu công nghiệp, thiếu lao động hoặc những diện tích ruộng sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đã vận động, thuyết phục mượn lại để cấy lúa hàng hóa. Bám sát nhu cầu của thị trường, tôi quyết định lựa chọn giống cấy, trong đó chủ yếu là giống Bắc thơm 7. Để giảm công lao động và nghề nông đỡ vất vả, với sự hỗ trợ của các cấp, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy bừa, máy gặt phục vụ sản xuất, áp dụng phương thức cấy máy mạ khay, phun thuốc trừ sâu bằng bình phun có động cơ… Nhiều ruộng nên anh Tiến, chị Khoa thường xuyên bám ruộng để kiểm tra, kịp thời chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nên lúa khỏe, bông to. Với cách làm chuyên nghiệp đó, các thửa ruộng của gia đình anh đạt năng suất cao hơn các hộ khác từ 20-40 kg/sào. Cấy lúa thương phẩm, chất lượng cao nên cứ tới vụ thu hoạch là thương lái tìm về tận ruộng để mua thóc tươi. Vẫn những mảnh ruộng xưa bà con cấy cày nhưng hiệu quả không cao thì nay vợ chồng anh Tiến áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã cho năng suất, chất lượng cao thu lãi hàng 100 triệu đồng mỗi vụ. Điều đó cho thấy, việc tập trung tích tụ ruộng đất, thay đổi tư duy, cách làm đã làm “thay da đổi thịt” những cánh đồng phân tán, nhỏ lẻ, nhiều vùng đất hoang hóa nay đã được hồi sinh; trở thành xu hướng mới cho sản xuất lúa, gạo chất lượng cao, tạo động lực để người nông dân gắn bó với đồng ruộng.
Mặc dù vẫn còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm, song sản xuất vụ xuân 2023 đã cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, tạo thu nhập cho nông dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin