Quyết liệt thực hiện thi hành án dân sự ở Nghĩa Hưng

08:35, 03/07/2023

Địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện có nhiều dự án lớn của tỉnh, huyện đầu tư, do đó thị trường bất động sản sôi động, đất đai lên giá kéo theo nhiều vụ án tranh chấp phức tạp liên quan đến quyền sử dụng đất. Số lượng án thụ lý mới tăng cao, nhất là án tín dụng ngân hàng liên quan đến vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67. Nhiều vụ, việc đương sự không có điều kiện thi hành; có tài sản nhưng không đủ để đảm bảo thi hành án hoặc tài sản có giá trị lớn hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành và không đủ điều kiện để đưa ra xét miễn giảm thi hành án. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, nhiều vụ việc, người phải thi hành án trốn tránh,  chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án... Đây là các nguyên nhân dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Nghĩa Hưng kiểm kê vật chứng thi hành án.
Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Nghĩa Hưng kiểm kê vật chứng thi hành án.

Đồng chí Đinh Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Trước những khó khăn trên, Chi cục đã đề ra các giải pháp quyết liệt để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Cục THADS tỉnh giao hàng năm là 84,5% về việc, 47,5% về tiền trên tổng số việc có điều kiện thi hành. Trong đó, cùng với tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, Chi cục chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao; ra các quyết định về thi hành án đúng thời hạn, đúng quy định; đôn đốc các chấp hành viên thực hiện việc xác minh, phân loại án, tiến hành các trình tự, thủ tục thi hành án theo đúng quy định pháp luật và đẩy nhanh tiến độ đối với những vụ việc có điều kiện thi hành. Tập trung theo dõi, nắm bắt tiến độ giải quyết án của từng chấp hành viên qua các cuộc họp giao ban đầu tuần; hàng tháng, quý đều có danh sách cập nhật báo cáo gửi Cục THADS tỉnh để theo dõi và chỉ đạo. Gắn phong trào thi đua hàng năm của ngành Tư pháp với việc giải quyết các việc đang thi hành có giá trị trên 100 triệu đồng trở lên và 100 triệu đồng trở xuống quá 1 năm, có điều kiện thi hành án, nhưng chưa tổ chức thi hành xong. Từ đó đã tạo động lực để chấp hành viên nỗ lực quyết tâm, tích cực đi cơ sở vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, góp phần giải quyết cơ bản việc loại này. Đặc biệt, Chi cục đã tập trung xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện và Ban chỉ đạo THADS địa phương nhằm giải quyết các vụ việc phức tạp, có giá trị thi hành lớn liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, xử lý tàu cá theo Nghị định 67 mới thụ lý như các việc: Ông Nguyễn Trường Q, bà Phạm Thị Ánh T ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thi hành cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam số tiền trên 17 tỷ 194 triệu đồng; việc bà Hoàng Thị T ở xã Nghĩa Thái phải thanh toán trả cho ông Vũ Văn L và bà Hoàng Thị P số tiền 750 triệu đồng và lãi chậm thi hành án; việc ông Vũ Văn H ở xã Nghĩa Thành phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Nguyễn Thị T số tiền trên 809 triệu đồng và lãi chậm thi hành án... nhằm đảm bảo việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao hàng năm. Tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cải thiện được thanh khoản, mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thi hành án đối với các việc trên có nhiều khó khăn. Các quy định pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt vấn đề ưu tiên thanh toán hay thứ tự thanh toán (liên quan đến khoản án phí là khoản chủ động thu cho ngân sách Nhà nước) khi xử lý tài sản đối với các vụ án có liên quan đến tín dụng ngân hàng được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; việc xử lý tài sản đảm bảo mất nhiều thời gian, chi phí; do đương sự không hợp tác; sự phối hợp của các tổ chức tín dụng chưa hiệu quả... Trước tình hình trên, Chi cục đã tích cực phối hợp với các tổ chức ngân hàng; đôn đốc chấp hành viên để đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án và tăng cường tổ chức hòa giải thuyết phục đương sự. Từ đó, một số vụ việc có giá trị lớn liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng được giải quyết nhanh mang lại nhiều hiệu quả, đảm bảo kịp thời quyền lợi cho các tổ chức tín dụng ngân hàng. Kết quả từ năm 2022 đến nay, Chi cục đã thụ lý và giải quyết xong 2 vụ tương ứng 31 tỷ 144 triệu đồng. Ngoài ra, đối với một số vụ việc có khó khăn, vướng mắc, Chi cục THADS huyện cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp vận động, tuyên truyền để người phải thi hành án tự nguyện thi hành, hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án. Đồng thời tranh thủ ý kiến nghiệp vụ của Cục THADS tỉnh để kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS huyện tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ, việc thi hành án tồn đọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực, hoạt động của Chi cục THADS huyện Nghĩa Hưng tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong thực hiện công tác thi hành án các vụ, việc. Năm 2022, Chi cục đã hoàn thành xong về việc đạt 86,03/83,5% (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm), về tiền đạt 69,45/42% (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm); 8 tháng đầu năm 2023 đã thi hành xong về việc đạt tỷ lệ 80,56/84,5%, về tiền đạt tỷ lệ 20,64/47,5% góp phần quan trọng giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Chi cục THADS huyện Nghĩa Hưng tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS huyện tập trung chỉ đạo phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án; giải quyết dứt điểm các vụ, việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, cố ý không chấp hành án; công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp trong THADS; khắc phục triệt để tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS; giám sát chặt chẽ việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản kê biên đảm bảo tính khách quan, hạn chế sai sót; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc giao tài sản đã bán đấu giá thành, không để xảy ra các vụ, việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính. Tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích việc thỏa thuận trong quá trình tổ chức thi hành án nhằm giảm bớt các tranh chấp trong xã hội, xây dựng xã hội chấp hành pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về THADS của công dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS và chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com