Trong cuộc kháng chiến toàn quốc 19-12-1946 ở thành phố Nam Định, tại khu vực Nhà Quan, nhà ga, nhà Bạch Tuyết đã diễn ra những trận chiến đấu giành đi giật lại rất quyết liệt giữa ta và địch. Ở đó đồng chí Đoàn Bạch Hạc, chính trị viên trung đội thuộc Đại đội 15 (sau đổi thành Đại đội 37), Tiểu đoàn 69, Trung đoàn 34 đã chiến đấu rất dũng cảm và đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy trung đội xông lên chiếm lại nhà ga ngày 24-12-1946, nêu một tấm gương sáng chói cổ vũ mạnh mẽ sĩ khí chiến đấu của quân dân thành Nam Định trong những ngày đầu đánh giặc. Đặc biệt hàng chục nghìn người cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Tiểu đoàn 69, ở các làng Mỹ Trọng, Cầu Gia, Mai Xá, An Duyên, An Cự, Đại Đê, Vọng Cổ, Trình Xuyên, Hào Kiệt... đã truyền tụng, kính phục tấm gương Đoàn Bạch Hạc như một kỳ tích anh hùng xuất chúng ở Thành Nam. (Xem Hà Nam Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp trang 90, 91).
Đoàn Bạch Hạc là bạn chiến đấu, cùng hoạt động Việt Minh bí mật trước 19-8-1945 ở Lạc Quần với Đoàn Trần Phong, chính trị viên Tiểu đoàn 69.
Được tin Hạc mất, cả ngày 25-12-1946 Phong không ăn uống gì, mắt lúc nào cũng đỏ hoe, ngấn lệ. Đêm đó Phong làm bài thơ Nhớ Đoàn Bạch Hạc.
Trước Tết âm lịch năm đó (khoảng đầu 1947) khi đọc lại bài thơ cho anh em viết lên Bích Báo Tiểu đoàn 69 (số Tết), Đoàn Trần Phong vẫn chưa ngăn được những dòng nước mắt xót thương giàn dụa:
Nhớ Đoàn Bạch Hạc
Một ngày dứt áo ra đi
Anh cười, nghe nói biệt ly anh cười
Trùng quan ải, mấy xa xôi?
Mây đen phủ kín một trời nhớ nhung
Thành xưa khói lửa mịt mùng
Nương xanh trào hận, cây rừng xôn xao
Giật mình, nghe tưởng chiêm bao
Máu hồng nhuốm dải chiến bào thôi bay
Còn đâu khuya sớm, vơi đầy?
Sớm khuya bùi, ngọt, đắng, cay đâu còn?
Nhớ ai luống những mỏi mòn
Ngàn thu một giấc anh hồn về đâu?
Ai đi chém giặc bêu đầu?
Ai đem xương trắng đắp lầu vinh quang?
Ai sương gió những ngang tàng?
Đưa thây đắp áo sao vàng là ai?
Bâng khuâng, thổn thức canh dài...
Tàn hương rụng trắng chân đài... buồn tênh!
Đồng chí Đoàn Trần Phong quê ở Trà Lũ, Xuân Trường. Giữa năm 1947 anh được đề bạt thăng chức và điều động lên làm Trung đoàn phó Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng. Năm 1949 anh đã anh dũng hy sinh tại Sóc Giang - Cao Bằng./.
Hoàng Cao (sưu tầm)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin