Tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

08:01, 29/06/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông có chiều hướng giảm so với những năm trước trên cả 3 tiêu chí, góp phần vào sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tập trung phương tiện tham gia diễu hành tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đt1
Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tập trung phương tiện tham gia diễu hành tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. 

Hạ tầng giao thông của tỉnh Nam Định thời gian qua liên tục được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng với 7 tuyến quốc lộ, 3 tuyến đường cao tốc, 1 tuyến đường bộ ven biển, 13 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn đã phục vụ kịp thời phát triển kinh tế - xã hội, đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển của hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện tham gia giao thông, nhất là phương tiện ô tô cá nhân. Trên các tuyến quốc lộ mới xây dựng, phần lớn được đầu tư theo tiêu chí cấp 3, cấp 4 đồng bằng, 2 làn xe hỗn hợp nhưng có nhiều điểm xung đột giao thông, nguy cơ ùn tắc cao. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn có nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, thiếu cảnh báo, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh hiện có 44 đường ngang, 85 lối đi tự mở vào các khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự ATGT. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 08 về thực hiện Năm ATGT 2023, Công văn số 162 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Công an tỉnh ban hành 17 văn bản liên quan đến nhiều lĩnh vực như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, kiến nghị ngành chức năng khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông.

Thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, đơn vị thường xuyên xây dựng các giải pháp, làm nòng cốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Xác định công tác tuyên truyền, vận động giữ vai trò quan trọng, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phối hợp với 148 cơ sở giáo dục ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên; tổ chức 226 buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông thu hút 93.529 lượt người tham gia; thực hiện tuyên truyền lưu động 2.686 lượt trên các tuyến giao thông, địa bàn, khu vực trọng điểm, nơi tập trung đông dân cư. Lực lượng CSGT phối hợp củng cố hoạt động 6 mô hình tự quản về trật tự ATGT gồm: Cổng trường an toàn; Tổ tự quản về trật tự đô thị; Tuyến đường tự quản về an ninh trật tự; Bến phà văn hóa, an toàn; Cửa sông an toàn; Tổ tàu thuyền tự quản; đồng thời tiếp tục duy trì mô hình bảo đảm an ninh trật tự, trật tự ATGT của các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề; phối hợp với Ban ATGT tỉnh thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh; rà soát, thống kê, đề nghị đầu tư lắp đặt thêm camera giám sát trên các tuyến giao thông của tỉnh; trực tiếp xử lý 9.072 trường hợp, phạt tiền 26,2 tỷ đồng, tước 2.889 giấy phép lái xe, tạm giữ 3.555 phương tiện. Trong đó, trên lĩnh vực đường thủy nội địa, Phòng CSGT phối hợp với Công an các huyện, thành phố Nam Định thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các phương tiện chở hàng quá tải trọng, quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện; hoạt động vi phạm về khai thác tài nguyên; vi phạm tại bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Trên lĩnh vực đường sắt, Phòng CSGT thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, từng bước khắc phục những bất cập liên quan đến hạ tầng, ngăn ngừa các hành vi trộm cắp vật tư, thiết bị đường sắt, ném đá lên tàu; xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, tham gia bảo vệ an toàn 4 đoàn tàu đặc biệt đi qua địa bàn tỉnh. Trên lĩnh vực đường bộ, Phòng CSGT phân công lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tổ chức tuần tra liên tục 24/24 giờ, tập trung tại các nhà ga, bến tàu và những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. 

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trao đổi nghiệp vụ.
 Bài và ảnh: Xuân Thu
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trao đổi nghiệp vụ.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt 3 chuyên đề công tác lớn gồm: Xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; xử lý vi phạm về tốc độ, đua xe trái phép, góp phần lập lại trật tự ATGT và giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Trong đó, đối với chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT đã lập các tổ công tác chuyên đề để kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 100 của Chính phủ và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, toàn tỉnh có 2.962 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn bị xử lý, chủ yếu là trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ, phòng chống đua xe trái phép được tăng cường thực hiện, ngăn ngừa vào các dịp nghỉ lễ, tết, sau các trận thi đấu bóng đá.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông đã giảm so với những năm trước trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 34 vụ, đường sắt 4 vụ, đường thủy 1 vụ) làm chết 20 người, bị thương 25 người, thiệt hại về tài sản 724 triệu đồng, không xảy ra tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương... 

Từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực tham mưu thực thi hiệu quả pháp luật về trật tự ATGT; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký xe và xử lý vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, nhất là tuyến giao thông trọng điểm; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, xe quá khổ, quá tải, sử dụng giấy tờ giả, xe tự chế 3 bánh, 4 bánh, xe cầu, xe bồn tự dựng chở bê tông tươi tham gia giao thông. Công an tỉnh phối hợp với ngành Giao thông Vận tải tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container; xây dựng chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đường thủy; đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy; tiếp tục khảo sát, phát hiện các “điểm đen”, “điểm tiền ẩn” tai nạn giao thông, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để kiến nghị ngành chức năng khắc phục./.   

Bài và ảnh: Xuân Thu  



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com