Cách đây 65 năm, để có được miền quê mang tên “Rạng Đông” (Nghĩa Hưng) trên bản đồ hành chính tỉnh là công sức, thành quả to lớn mà bao thế hệ đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi, xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành bờ xôi ruộng mật, có màu xanh của sự sống. Với mục tiêu xây dựng thị trấn Rạng Đông thành một trọng điểm đô thị phát triển bền vững, sớm trở thành đô thị loại IV trước năm 2025, thời gian qua, Đảng bộ thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Cảnh quan nông thôn mới nâng cao thị trấn Rạng Đông. |
Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết nên. Vợ chồng đảng viên Lê Đăng Đoan, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, quê xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) - chiến sĩ Trung đoàn 269 và vợ là bác Nguyễn Thị Nghiêm, quê xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), nguyên chiến sĩ lực lượng thanh niên Cờ hồng tỉnh Nam Định - thế hệ “mở đất” thị trấn Rạng Đông là một trong những gia đình tham gia viết nên câu chuyện cao đẹp đó. Trò chuyện với chúng tôi về lịch sử sáng nghiệp miền quê “Mặt trời mọc”, ánh niềm vui từ đôi mắt, bác Đoan hồi tưởng: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tháng 4-1958, Trung đoàn 269 thành lập tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã hành quân vượt chặng đường dài đến vùng đất hoang sơ ven biển Nghĩa Hưng khai hoang thành lập nông trường mới. Công cuộc khai hoang, lấn biển: “Bắt sóng bạc phải cúi đầu. Buộc biển sâu phải lùi bước. Lấn biển, làm giàu cho Tổ quốc” được khởi công vào ngày 19-5-1958 - đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ngày có quyết định thành lập nông trường mang tên “Rạng Đông”. Những người lính “mình đồng da sắt” của miền Trung sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lại giương cao ngọn cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” vượt sông Đáy đến với quê biển Nghĩa Hưng bắt tay làm kinh tế, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần “Thắp đuốc làm đêm”, “Thanh niên phi nước đại, phụ lão chẳng ngại khó khăn”, những người lính Trung đoàn 269 cùng lực lượng Tiểu đoàn I Nam Định và dân quân địa phương ngày đêm quai đê, lấn biển. Sau 1 năm 8 tháng, ngày 28-12-1959, từ bãi biển hoang sơ, dưới bàn tay, khối óc con người đã trở thành vùng đất giàu tiềm năng. Khi hàn khẩu mối cuối cùng đã nối liền con đê dài 14km (nay là đê 58) từ cửa sông Ninh Cơ đến cửa sông Đáy. Mỗi tấc đất, sải đê đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt và cả máu của những người lính, cán bộ, đảng viên trong cuộc vật lộn “Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”. Đồng chí Lương Viên, chiến sĩ Trung đoàn 269 và đồng chí Mai Thị Bình, thanh niên xung kích quê Hải Hậu đã lấy thân mình chặn dòng nước xoáy và anh dũng hy sinh trong giờ khắc triệt giang, hàn khẩu đê.
Nói về thời “Lấn Thái Bình Dương, mở rộng biên cương, làm giàu cho Tổ quốc”, bác Nguyễn Thị Nghiêm bồi hồi nhớ lại: Bước vào đầu năm 1960, miền Bắc phấn đấu tiến lên xã hội chủ nghĩa để làm nhiệm vụ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, những người lính Trung đoàn 269 được lệnh “chuyển ngành” tại chỗ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường quốc doanh Rạng Đông. Bài học nghệ thuật quân sự “Ngụ binh ư nông” của các vị vua anh minh vương triều Trần xưa lại được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ, quần áo còn vương mùi thuốc súng ngày nào, giờ lại đẫm mùi đất nông trường. Rồi khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, một lần nữa, các anh lại cầm súng, anh dũng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả lao động của chính mình trên mảnh đất vừa khai phá. Chắc tay súng, vững tay cày, các sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay lao động của các anh và nhân dân địa phương làm ra ngày càng đạt năng suất cao, đóng góp cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hơn 500 nông trường viên tái ngũ; 150 người đã anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất nông trường, 24 chiến sĩ đã ngã xuống do máy bay Mỹ sát hại. “Đất lành, chim đậu”, người dân ở 28 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hội tụ về đây xây dựng vùng kinh tế mới, hình thành nên thị trấn nông trường Rạng Đông năm 1965 và thị trấn Rạng Đông năm 1987.
Vợ chồng đảng viên Lê Đăng Đoan, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và Nguyễn Thị Nghiêm là thế hệ đầu tiên về “mở đất” thành lập miền quê Rạng Đông. |
Hòa cùng sức xuân đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Rạng Đông đang quyết tâm tạo dựng những tiền đề quan trọng cho những bước đi mới nhanh hơn, mạnh hơn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng chí Phan Thanh Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Rạng Đông cho biết, được sự quan tâm, tạo điều kiện từ Trung ương đến địa phương, những năm qua, thị trấn đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như trường học, trạm y tế, phục vụ phát triển sản xuất và an sinh xã hội, các dự án, công trình trọng điểm theo chủ trương của tỉnh, huyện; đẩy mạnh thu hút đầu tư về thương mại dịch vụ. Với lợi thế tiềm năng kinh tế từ biển, phương châm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của thị trấn Rạng Đông là xây dựng cơ chế tạo động lực cho bà con mở rộng sản xuất; tập trung chỉnh trang hạ tầng thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến nay, hơn 6,5km đường trục của thị trấn đã được nhựa hoá đạt chuẩn; 12,6km đường trục các tổ dân phố được cứng hoá; 100% đường dong ngõ xóm có hệ thống điện chiếu sáng công cộng được đầu tư đồng bộ khang trang. Toàn bộ hệ thống đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Nhiều dự án công trình trọng điểm đã được cải tạo xây dựng trên địa bàn, dự án của cấp trên đi qua địa bàn thị trấn và các công trình của địa phương được thực hiện như: Dự án mở rộng tỉnh lộ 490C và một số tuyến đường bộ đi qua địa bàn giúp kết nối nhanh chóng, thuận tiện giữa đô thị Rạng Đông với thành phố Nam Định hoặc các tỉnh liền kề như Ninh Bình, Thái Bình cơ bản đều được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo thuận lợi cho quá trình giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng...
Diện mạo, bộ mặt nông thôn địa phương thay đổi rõ rệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân học tập, đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống. Nhân dân đã tập trung đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi thả các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, ngao vạng, tập trung phát triển khai thác các nguồn lợi hải sản có giá trị nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương ven biển. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân, thị trấn Rạng Đông phát huy lợi thế giáp biển, nhiều đầm bãi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đã chủ động quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản là 423,16ha. Trong đó diện tích nuôi mặn, lợ là 126,91ha; diện tích nước ngọt 296,25ha; con nuôi chủ yếu là các giống đặc sản như cá bống bớp, cá mú, cá vược, cá lóc bông, cá diêu hồng, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Giá trị bình quân hàng năm từ nuôi thủy sản mang lại ước đạt 250-320 triệu đồng/ha. Trong đó cá mú là đối tượng nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Diện tích nuôi thả cá mú khoảng 75,3ha, số lượng hộ nuôi chiếm từ 40-45% tổng số các hộ nuôi thủy sản ở Rạng Đông.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn Rạng Đông cho biết: Đảng bộ thị trấn có 447 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ. Với mục tiêu xây dựng thị trấn Rạng Đông thành một đô thị phát triển bền vững, sớm trở thành đô thị loại IV, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Rạng Đông đang tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đến năm 2040 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Rạng Đông mới gồm thị trấn Rạng Đông hiện nay và toàn bộ các xã lân cận gồm Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền. Khu vực quy hoạch có tổng diện tích khoảng 4.398ha. Theo quy hoạch, đô thị mới Rạng Đông có cấu trúc phát triển của đô thị đa cực. Phía Đông là cực phát triển đô thị dịch vụ với mũi nhọn là dịch vụ công nghiệp, vận tải và du lịch trên khu vực địa bàn xã Phúc Thắng với trục giao thông là các tỉnh lộ 490B, 490C. Đây là cực phát triển trên cơ sở khu vực giao thương với thềm sông Ninh Cơ giáp tỉnh lộ 490B gắn kết với các cơ sở kinh tế như cảng Quần Vinh, cảng hàng hoá Rạng Đông, cụm luồng tàu vào sông Ninh Cơ, cảng biển Hải Thịnh. Cực phía Tây phát triển dịch vụ công nghiệp, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản thuộc xã Nam Điền sẽ xây dựng các trung tâm giải trí kết hợp nuôi trồng thuỷ sản gắn kết với Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông giai đoạn 2 và vùng bãi bồi sinh thái. Cực phát triển Đông Bắc thuộc khu vực xã Nghĩa Bình phát triển trên cơ sở giao thương giữa thềm sông Ninh Cơ và đô thị Thịnh Long. Khu vực đô thị trung tâm, công viên cây xanh, các khu đô thị dân cư mới, hạ tầng trung tâm dịch vụ, thương mại tổng hợp và hệ thống dịch vụ du lịch, giao thông, cảng biển, đầu mối hạ tầng kỹ thuật được thiết kế quy hoạch với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, hài hoà gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của vùng.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Rạng Đông tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tạo đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trở thành mũi nhọn kinh tế động lực của xã. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tạo bước đột phá mạnh mẽ hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương và thực hiện các chiến lược phát triển hướng biển của tỉnh và Trung ương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin