Ước mơ nào cho thể thao Việt Nam?

08:52, 05/01/2024

Năm 2023 khép lại, cũng có nghĩa là chỉ còn 6 năm nữa là hết thời gian của quy hoạch phát triển thể dục - thể thao đến năm 2020 và định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Futsal Việt Nam (phải) là một trong những môn cần được đầu tư đặc biệt hơn nữa để thường xuyên có mặt ở sân chơi châu Á và thế giới. 
Ảnh: P.MINH
Futsal Việt Nam (phải) là một trong những môn cần được đầu tư đặc biệt hơn nữa để thường xuyên có mặt ở sân chơi châu Á và thế giới. 

Cách đây 2 năm, ngành Thể thao cũng bắt tay vào thực hiện dự thảo về chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 nhưng như đã biết, sau các kỳ Olympic 2020 và Asiad 19 không thành công, Thể thao Việt Nam đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh các định hướng so với dự thảo trước khi trình Chính phủ phê duyệt dự kiến trong năm 2024. 

So với đề án quy hoạch cũ với tầm nhìn đặt ra là 10 năm, thì ban đầu dự thảo đề án mới dự kiến đưa ra tầm nhìn đến 2050, hiện đã rút lại chỉ đến 2045. “Tầm nhìn” cũng có thể hiểu đó là những mục tiêu xa, đặt ra để có thêm khao khát. Nói văn vẻ, đó là nơi để Thể thao Việt Nam đặt ước mơ vươn cao của mình.

Thực tế cho thấy, tầm nhìn 2030 của bản đề án cũ cũng đã đạt được những cột mốc lịch sử. Chúng ta đã có Huy chương Vàng (HCV) Olympic ở môn bắn súng, có những nhà vô địch thế giới ở các môn quyền Anh, billiards & snooker, cầu mây…, điền kinh cũng có HCV Asiad, châu Á và trong khuôn khổ SEA Games, cũng đã 2 lần liên tiếp đứng đầu toàn đoàn. Thế nhưng, khi chuẩn bị đặt ra những ước mơ lớn hơn, thách thức và khó khăn cũng xuất hiện với cấp số nhân. Đó là lý do mà vừa qua ngành Thể thao phải tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” để điều chỉnh định hướng cho bản đề án mới. 

Nằm trong nhóm các nền thể thao chưa phát triển so với thế giới, Việt Nam có một… ưu thế, đó là rất nhiều ước mơ để chinh phục, nhưng đôi khi, vì thế mà chúng ta lại không biết bắt đầu từ đâu. Với người hâm mộ, muốn được chứng kiến chiến thắng của vận động viên (VĐV) Việt Nam tại các đấu trường Olympic, World Cup, nhưng với những người đang sống với nghề, có lẽ ước mơ lớn nhất chính là điều kiện để tập luyện, bao gồm cả ổn định đời sống. Thể thao Việt Nam vẫn đang rất thiếu cơ sở vật chất ở tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có từ 20 năm trước, đã tổ chức 2 kỳ SEA Games, hiện không còn phù hợp tổ chức một sự kiện tầm cỡ như Asiad, nhất là khi chúng ta lỡ mất kỳ Á vận hội năm 2018 do yếu tố tài chính. 

Trước thềm năm 2024, Thể thao Việt Nam chuẩn bị đưa ra tầm nhìn cho 20 năm sau trong bối cảnh rất khó đặt những mục tiêu chính xác. Thế nên thay vì mơ ước, hãy bắt đầu bằng cách thiết thực nhất là đề ra những giải pháp, chính sách đột phá để có thêm những nhà thi đấu, sân vận động đẳng cấp châu Á, thế giới … Có một nền tảng như vậy, chúng ta mới đăng cai được những sự kiện quốc tế tầm cỡ và sự trải nghiệm vô giá dành cho những VĐV của chúng ta./.

Theo Thể thao SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com