Viêm kết giác mạc mùa xuân là một dạng của viêm kết mạc dị ứng, thường gặp chủ yếu ở nam giới. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em vào khoảng 4 - 5 tuổi và tiến triển thành mạn tính, bệnh thường theo mùa và hay có những đợt kịch phát.
Viêm kết giác mạc mùa xuân là một dạng của viêm kết mạc dị ứng. |
Viêm kết mạc mùa xuân do đâu?
Viêm kết mạc dị ứng xảy ra do phản ứng của cơ thể với dị nguyên như phấn hoa và lông thú nuôi. Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi xâm nhập vào cơ thể có các yếu tố cơ địa dị ứng sẽ sinh ra các kháng thể và các phản ứng quá mẫn cảm, biểu hiện bệnh lý có thể ở một hay nhiều cơ quan.
Bệnh xảy ra ở người có cơ địa dị ứng, nên bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân thường có thêm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa… Khi bị dị ứng, mắt của người bệnh trở nên nhạy cảm quá mức với lông thú nuôi, bụi bẩn… được xem là chất vô hại đối với mắt người bình thường, nhưng đối với mắt người bị bệnh thì mắt sẽ tiết ra rất nhiều nước và dịch nhầy.
Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này khi vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù…
Viêm kết mạc mùa xuân cũng có liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), ánh nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền.
Triệu chứng của viêm kết mạc mùa xuân
- Khi mắc bệnh mắt của bệnh nhân sẽ bị bị kích thích, đau và ngứa thường xuất hiện thành từng cơn vào một giờ nhất định, hay gặp nhất là vào lúc sáng sớm khi mới thức dậy. Đây là dấu hiệu điển hình của viêm kết mạc mùa xuân, thường xuất hiện thành từng cơn. Bệnh nhân có cảm giác như có dị vật trong mắt, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực. Dử mắt nhiều, có đặc điểm dính, dai và có thể kéo thành sợi.
- Bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân có cảm giác bỏng rát trong mắt, chảy nước mắt, tiết tố trong, dai, dính, mắt sưng nề, đỏ.
- Mắt của bệnh nhân loét giác mạc màu trắng xám, đáy sạch phẳng, bờ gọn, ít kích thích (loét trơ). Mí mắt thô ráp và có chất nhầy màu trắng (đặc biệt là bên trong mi trên), khi lộn mi trên có thể thấy những nhú lớn đường kính > 1mm xếp cạnh nhau như đá lát, có các rãnh ngăn cách sâu, có mạch máu ở đỉnh nhú do sự tăng sản tổ chức xơ đội biểu mô kết mạc lên cao hoặc những hạt tròn màu trắng sữa ở quanh rìa giác mạc.
Bệnh viêm kết mạc mùa xuân hay có những đợt kịch phát dù được điều trị liên tục. Một số trường hợp bệnh có thể thuyên giảm khi bệnh nhân đến tuổi dậy thì. Nếu không được điều trị đúng thì bệnh có thể gây biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, loét thủng giác mạc, sẹo giác mạc. Đặc biệt, có thể có biến chứng do dùng thuốc có corticoid làm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
Ðiều trị viêm kết mạc mùa xuân
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm kết giác mạc mùa xuân là điều trị triệu chứng tại mắt bằng các loại thuốc chống dị ứng, chống viêm, kết hợp với điều trị chuyên khoa dị ứng.
Bệnh viêm kết mạc mùa xuân cần điều trị kiên trì. Có rất nhiều thuốc uống và thuốc nhỏ mắt đáp ứng rất tốt với bệnh viêm kết mạc mùa xuân, nhưng người bệnh không nên tự ý mua thuốc dùng mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Bệnh rất hay tái phát, nhưng người bệnh không nên chủ quan tự sử dụng theo đơn thuốc cũ. Vì cùng một bệnh nhưng ở mỗi thời điểm có thể sẽ phải dùng những loại thuốc khác nhau, tùy theo mức độ viêm. Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với dị nguyên để không tái phát bệnh.
Việc dùng kéo dài một số loại thuốc kháng viêm, kháng sinh (ví dụ như thuốc có thành phần corticoid…) sẽ gây ra những tác dụng phụ ở mắt. Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.
Khi bị viêm kết mạc dị ứng nên tránh day dụi mắt, vì có thể khiến mắt bị viêm nặng hơn, thậm chí gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
Phòng bệnh viêm kết mạc mùa xuân
Bệnh viêm kết mạc mùa xuân không thể tránh hoàn toàn được, nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau:
-
Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…).
-
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt.
-
Vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi.
-
Không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa.
-
Nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt.
-
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể./.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin