Giời leo: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

14:20, 02/04/2024

Giời leo (còn gọi là bệnh zona thần kinh) là bệnh nổi mẩn đỏ có nước và gây đau nhức trên da. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng giời leo thường mọc thành một chùm những mụn đỏ, có thể có nước, thường ở một bên cơ thể và kéo dài dọc theo những đám dây thần kinh.

Virus Varicella - Zoster là nguyên nhân gây ra bệnh giời leo.
Virus Varicella - Zoster là nguyên nhân gây ra bệnh giời leo.

1. Nguyên nhân gây bệnh giời leo

Bệnh giời leo là kết quả của sự tái hoạt động của virus Herpes Zoster (Varicella - Zoster virus hoặc VZV), cũng là virus gây nên bệnh thủy đậu. Đây là bệnh ngoài da do nhiễm virus với dấu hiệu nhận biết đặc trưng là phát ban da màu đỏ, gây đau và rát.

Virus này có thể ẩn náu trong cơ thể sau khi bị thủy đậu và tái hoạt động khiến người bệnh mắc giời leo. Các yếu tố làm giảm sức đề kháng như tuổi cao, stress, bệnh mạn tính, điều trị hóa trị, xạ trị hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Triệu chứng của bệnh giời leo

Bệnh giời leo có những dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Đặc trưng của bệnh giời leo thường có biểu hiện là một dải mụn nước li ti nổi ở một bên của cơ thể. Đặc biệt là ở phần thân trên, cổ và mặt. Những biểu hiện thông thường của bệnh giời leo là:

  • Tại vùng da phát bệnh thường hơi đỏ, đau rát nhẹ. Ngoài ra sẽ kèm theo ngứa, căng, đau nhức dai dẳng và đau đầu mệt mỏi kéo dài. Đôi lúc người bệnh sốt cao, cần đặc biệt chú ý biểu hiện này ở trẻ nhỏ.

  • Xuất hiện dải ban đỏ nề nhẹ, gò hơi cao so với mặt da, nổi mẩn theo dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt.

  • Sau một thời gian phát triển thành mụn nước chứa dịch, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm và to dần.

  • Mụn nước vỡ ra, chảy nước và hóa thành sẹo.

Tuy rằng bệnh giời leo không gây chết người, nhưng bệnh có thể để lại những hậu quả rất nguy hiểm.

Người bệnh có thể bị đau thần kinh mạn tính sau khi hết nổi mẩn trên da. Khi các mụn nước lành hẳn và da đã trở lại bình thường, bệnh nhân vẫn còn đau, nhức buốt, tê tê vùng da đã bị giời leo. Thường là do dây thần kinh vùng này bị viêm, dẫn đến tổn thương lâu dài. Bệnh nhân có thể cần phải uống kháng viêm thần kinh lâu dài, tập vật lý trị liệu, chữa các bệnh mạn tính khác có liên quan (như tiểu đường) để giúp dây thần kinh hồi phục nhanh hơn.

Mù mắt là một biến chứng phức tạp khi giời leo ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và xảy ra trên vùng mặt gần mắt. Thường bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức mắt kèm theo nổi mẩn. Bệnh nhân cần được chuyển qua bác sĩ chuyên khoa mắt gấp nếu có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến mắt.

Tổn thương lâu dài các vùng dây thần kinh khác, ví dụ như mất cảm giác trên da (nếu dây thần kinh cảm giác da), mất cân bằng hay mất thính giác (nếu như dây thần kinh thính giác bị tổn thương).

Ngoài ra, người bệnh có thể bị nhiễm trùng da do vùng da bị lở loét, có thể bị nặng hơn với các bệnh mạn tính về da như viêm da cơ địa hay bệnh vảy nến.

3. Bệnh giời leo có lây không?

Con đường lây truyền của virus gây giời leo là tiếp xúc trực tiếp với dịch trong các mụn nước hoặc hít phải không khí chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh không lây qua tiếp xúc thông thường.

Tuy nhiên, người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu có thể nhiễm virus gây ra bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với dịch trong các mụn nước của người bệnh.

4. Phòng bệnh giời leo

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vaccine thủy đậu để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp tăng sức đề kháng chống lại virus. Tất cả trẻ em nên được tiêm hai liều vaccine thủy đậu. Những người trưởng thành chưa bao giờ bị thủy đậu cũng nên tiêm ngừa.

Ngoài ra, cần tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch bằng cách ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi đủ, tập thể dục thường xuyên và tránh căng thẳng. Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh giời leo hoặc thủy đậu nếu bạn chưa từng mắc hai loại bệnh này hoặc chưa tiêm phòng.

5. Cách điều trị bệnh giời leo

Chữa trị giời leo bắt đầu bằng chẩn đoán đúng, vì một số trường hợp bệnh nhân có thể nghĩ mình bị đau nhức thần kinh, dẫn đến chẩn đoán chậm và có thể có biến chứng. Chữa trị đúng và sớm giúp giảm thiểu lây lan, triệu chứng và các biến chứng về sau.

Các thuốc hiện nay dùng để chữa giời leo được dùng kết hợp với nhau, trong đó là thuốc kháng virus; Thuốc giảm đau thần kinh; Thuốc chống động kinh hay chống trầm cảm; Thuốc bôi giảm ngứa;

Bệnh giời leo thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần, trong đó những ngày đầu tiên rất quan trọng trong việc chẩn đoán đúng và dùng thuốc.

Khi điều trị tại nhà bệnh nhân cần chú ý:

  • Không chà xát hoặc để nước bẩn tiếp xúc với vùng da nổi mụn nước, tránh làm cho các mụn nước vỡ ra, vì điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.

  • Rửa vùng da bị tổn thương bằng nước muối loãng hoặc thuốc rửa chuyên biệt do bác sĩ chỉ định.

  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là khi vừa chăm sóc vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, cũng cần mặc đồ rộng rãi, thoải mái.

Để tránh gây ra các biến chứng rắc rối, người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu chất béo: Vì chúng sẽ làm cho tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn và bệnh lâu lành hơn.

  • Rượu bia: Đồ uống có cồn sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch, khiến virus lây lan mạnh hơn.

  • Các sản phẩm được chế biến từ socola, yến mạch, mầm lúa mì, dừa…

  • Ngũ cốc tinh chế: Chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến cho vết phỏng lâu lành.

Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được gãi để tránh bị nhiễm khuẩn và không để lại sẹo sau này./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com