Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lúc giao mùa cho trẻ em

18:45, 10/04/2024

Thời gian qua, dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nhất đối với trẻ em. Vào thời điểm giao mùa xuân - hè, điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và lây truyền qua véc-tơ như: Cúm các chủng, sởi, rubella, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH), viêm não Nhật Bản B nguy cơ bùng phát. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa xuân - hè, ngành Y tế tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp, hoạt động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm “từ xa, từ sớm”.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh có hơn 19.400 lượt trẻ em đến khám, chữa bệnh. 
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh có hơn 19.400 lượt trẻ em đến khám, chữa bệnh. 

Nguy cơ dịch, bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa xuân - hè

Quý I năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh có hơn 19.400 lượt trẻ em (dưới 15 tuổi) đến khám, chữa bệnh. Trong đó, có hơn 3.600 lượt bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, với tổng số ngày điều trị nội trú trên 23 nghìn ngày; bệnh nhân dưới 6 tuổi có hơn 3.200 trẻ em. Bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu ở Khoa Hô hấp (1.464 em); Khoa Nội tổng hợp (1.246 em); Khoa Cấp cứu - Sơ sinh (608 em). Nguyên nhân ban đầu được xác định là các bệnh truyền nhiễm theo mùa chủ yếu là các bệnh về hô hấp và rối loạn đường tiêu hoá. Từ cuối tháng 3-2024 đến nay, trẻ em dưới 6 tuổi nhập viện tăng cao, đã ghi nhận nhiều ca mắc viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng... Đây đều là những bệnh truyền nhiễm thông thường, tuy nhiên nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ và nguy cơ bùng phát thành dịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023 và quý I năm 2024, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên các bệnh dịch lưu hành như SXH, tay chân miệng… có xu hướng gia tăng. Năm 2023, tỉnh ta ghi nhận 2.376 ca mắc SXH (1 ca tử vong), tăng 1,3 lần so với năm 2022; ghi nhận 1.271 ca mắc tay chân miệng; 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại xã Yên Phúc (Ý Yên). Trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 18 ca mắc, nghi mắc SXH, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, 18 ổ dịch SXH Dengue tại 10 huyện, thành phố và 27 ca mắc/nghi mắc tay chân miệng.

Đồng chí Vũ Việt Dưỡng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để vi-rút, vi khuẩn, trung gian truyền bệnh phát triển, gây bệnh và lây lan thành dịch. Theo Bộ Y tế, có 12 bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa xuân - hè gồm: SXH, tay chân miệng, viêm da, sởi, viêm não, cúm, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra, có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em là: Sốt, đau họng, tổn thương loét đỏ và đau ở miệng, sẩn hồng ban không ngứa, ở một số nơi như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đôi khi có bóng nước, trẻ thường quấy khóc, bỏ bú và biếng ăn… Còn đối với bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm do siêu vi Dengue gây ra. Siêu vi Dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết đốt của muỗi vằn cái mang mầm bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm cho cả trẻ em vì bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể bị mắc lại, bệnh có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tụt huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong và nguy cơ cao bùng dịch. Đáng chú ý là đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc bệnh ho gà tại Hải Hậu. Vi khuẩn Bordetella pertussis gây bệnh ho gà, khi xâm nhập vào đường hô hấp của cơ thể, vi khuẩn bám chặt vào các lông mao ở đường hô hấp trên và giải phóng độc tố để tấn công hệ hô hấp. Khi trẻ bị ho gà thường có những cơn ho dữ dội không kiểm soát, và khó thở. Sau khi ho, trẻ có xu hướng hít thở sâu để lấy oxy, điều này tạo ra những âm thanh như tiếng rít dài. Ho gà là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng gần như mọi độ tuổi, tuy nhiên bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc-xin.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Cũng như các địa phương trong cả nước, do gián đoạn việc cung ứng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, tại tỉnh ta, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đủ mũi vắc-xin là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây bùng phát dịch bệnh, nhất là đối tượng trẻ em. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023, vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Nam Định chưa được cung ứng đầy đủ, như: Vắc-xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) thiếu từ tháng 3-2023; vắc-xin 5 trong 1 SII (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) thiếu từ tháng 5-2023; vắc-xin sởi, sởi - rubella thiếu từ tháng 9-2023… 

Phó Giám đốc Sở Y tế  Khương Thành Vinh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22-3-2024 về “Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Nam Định năm 2024”. Theo đó, củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh. Triển khai hoạt động rà soát lịch sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn rà soát lập danh sách các trẻ chưa được tiêm vắc-xin năm 2023, sẵn sàng tiêm bù cho các đối tượng này khi có vắc-xin trong năm 2024. Phấn đấu, 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc-xin sởi, sởi - rubella, vắc-xin bại liệt và viêm não Nhật Bản được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh. Tiếp nhận vắc-xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phân bổ vắc-xin và vật tư tiêm chủng phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng. Thực hiện “tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị có bảo quản vắc-xin tiêm chủng.

Đồng chí Khương Thành Vinh thông tin thêm: Thời gian qua, bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi diễn biến phức tạp, ngày 2-4-2024 Sở Y tế đã ban hành Công văn số 594 về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, chủ động ngăn chặn không để dịch sởi lan rộng. Trong đó Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế để phòng, chống dịch; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Chủ trì, phối hợp Bệnh viện Nhi tỉnh tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp nghi sởi; kiểm soát nhiễm khuẩn; lấy mẫu, xét nghiệm đúng quy định. Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; Rà soát, thống kê, quản lý đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm không để sót đối tượng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt chú ý đến “vùng lõm” tiêm chủng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phân loại sàng lọc bệnh truyền nhiễm, khám, chẩn đoán phát hiện sớm các ca bệnh sởi, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Chủ động đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị điều trị cho người bệnh. Phòng Y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Tổ chức tốt và củng cố hoạt động tiêm chủng thường xuyên; tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn; Rà soát, thống kê, quản lý đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét nhằm không để sót đối tượng, đặc biệt chú ý đến vùng tỷ lệ tiêm chủng thấp./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com