Quyết liệt phòng, chống bệnh dại trên động vật vì an toàn sức khỏe người dân

08:08, 08/04/2024

Trong điều kiện thời tiết chuyển sang mùa nắng nóng; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm, các nguy cơ của bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế; tình trạng chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo còn thấp tiềm ẩn phát sinh bệnh dại, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi và cộng đồng.

Người dân ở thành phố Nam Định đưa thú nuôi đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Người dân ở thành phố Nam Định đưa thú nuôi đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại trên người gia tăng đột biến, có 22 trường hợp tử vong, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023; đồng thời ghi nhận 45 ca bệnh dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 80-98 nghìn hộ nuôi khoảng 110-128 nghìn con chó, mèo làm cảnh, trông giữ nhà, phân tán trên địa bàn rộng. Trong điều kiện thời tiết chuyển sang mùa nắng nóng; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm, các nguy cơ của bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế; tình trạng chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo còn thấp tiềm ẩn phát sinh bệnh dại, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi và cộng đồng.

Quyết tâm không để bệnh dại phát sinh, lây lan từ động vật sang người, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ngày 22-3-2024, UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý, tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo; chủ động bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại, nhất là việc tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo. Chỉ đạo UBND cấp xã chủ động, kịp thời thực hiện việc giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh dại; thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, kết quả tiêm phòng vắc-xin dại và tình hình bệnh dại theo quy định.

Để phòng, chống bệnh dại, không phát sinh người tử vong vì bệnh dại, ngành NN và PTNT đã tích cực phối hợp với ngành chức năng và các địa phương bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực. Sở NN và PTNT có văn bản gửi các đơn vị chức năng, UBND, Phòng NN và PTNT các địa phương trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường công tác phòng, chống dịch; triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I-2024; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ lượng vắc-xin phòng dại bảo đảm chất lượng để cung cấp phục vụ công tác tiêm phòng của các địa phương. Phối hợp với các huyện, thành phố thành lập đoàn công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại cơ sở. Sở NN và PTNT cũng phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo. Khi đưa chó ra đường phải đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không tìm đến các thầy lang để chữa bệnh dại.

Tích cực tuyên truyền để người dân nắm rõ: Theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan, chủ hộ nuôi chó, mèo có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng trong các trường hợp: Không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Khi phát sinh bệnh dại, hoặc xuất hiện tình trạng chó, mèo cắn người gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm không chỉ nằm ở chủ vật nuôi mà còn trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo quy định, từng khu dân cư, tổ dân phố phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo mới có thể kiểm soát được bệnh dại.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Vụ Bản đã xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ xuân 2024. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chú ý đặc biệt tới công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Để khắc phục tình trạng thiếu lực lượng cán bộ tiêm phòng, huyện tổ chức tiêm theo cụm, huy động cán bộ thú y các xã tiêm hỗ trợ nhau. Toàn huyện phấn đấu đến ngày 30-4 hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng vụ xuân đã đăng ký với UBND tỉnh… Tại huyện Nam Trực, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại toàn bộ số lượng động vật, nhất là đàn chó, mèo trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi chó, mèo thực hiện tiêm phòng khi có lịch tiêm. Còn tại thành phố Nam Định, liên tục trong hơn chục ngày qua, UBND các phường, xã đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh về các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo. Anh Nguyễn Thế Hoàng ở đường Nguyễn Đức Thuận, phường Thống Nhất cho biết: Được cán bộ y tế phường tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã mang con chó cảnh của gia đình tới Phòng tiêm Thú Cưng trên đường Trần Nhật Duật tiêm phòng bệnh dại theo đúng quy định. Việc tiêm phòng khá nhanh chóng, thuận lợi và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của vật nuôi…

Việc thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại của các cấp chính quyền, ngành chức năng và các hộ nuôi chó, mèo sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình phòng, chống bệnh dại quốc gia giai đoạn 2022-2030 của tỉnh và quản lý tốt tổng đàn vật nuôi, tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại một số địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com