Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ ca bệnh đầu tiên đến ngày 31-7-2023, toàn tỉnh có trên 5.900 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có trên 3.900 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.793 người đã tử vong. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, phát hiện 30 người nhiễm HIV. Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, thời gian qua, tỉnh ta tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS trước năm 2030.
Trung tâm Y tế thành phố Nam Định tuyên truyền hướng dẫn người bệnh cách phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS. |
Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW ngày 6-7-2021 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 22/KH-TU ngày 21-9-2021 của Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, các địa phương, đơn vị xây dựng các nhóm giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS. Các ngành chức năng đẩy mạnh phối hợp, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS; trong đó tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư, Luật Phòng chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030. Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS với tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới, giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. Phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người đứng đầu cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV tham gia công tác truyền thông về phòng, chống HIV. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống HIV.
Đặc biệt, ngành Y tế chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn; không ngừng mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời tăng cường năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tại các tuyến, bảo đảm cơ sở vật chất, cung cấp vật tư và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động để họ tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm, vận động người nghiện chích ma túy tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV sớm. Các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV được duy trì và nâng cao chất lượng. Dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục được mở rộng; thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.
Để người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các cơ sở điều trị thuận tiện, trên địa bàn tỉnh hiện tại đã có 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho người bệnh, đang điều trị cho 1.601 bệnh nhân bằng ARV. Bên cạnh đó, các hoạt động: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); xét nghiệm tải lượng vi-rút viêm gan C tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. Từ đầu năm đến nay đã có 315 khách hàng tham gia PrEP. Các các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, đã tiếp cận, truyền thông, tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho 1.594 lượt khách hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới), phát hiện 30 người có HIV dương tính và được tư vấn, chuyển gửi điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, điều trị Methadone tại địa bàn được giám sát, hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo theo đúng quy định. Ngoài ra, các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được cấp phát trên 650 bơm kim tiêm, 1.450 bao cao su, gần 500 gói chất bôi trơn… góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực từ cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị, xã hội nên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, góp phần giảm sự lây lan, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh HIV/AIDS, cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm để họ có thêm cơ hội sống hòa nhập cộng đồng. Mặc dù tình hình lây nhiễm HIV đang từng bước được kiểm soát và dần đẩy lùi, nhưng hiện công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn. Một số người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa tự giác tham gia điều trị do mặc cảm lo ngại về sự kỳ thị của xã hội, là mối nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng.
Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngành Y tế nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, điều trị tại phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em, phòng lây truyền từ mẹ sang con, cung cấp dịch vụ chăm sóc HIV/AIDS có chất lượng cao nhằm bảo đảm những bệnh nhân HIV/AIDS đang sống tại cộng đồng có thể tiếp cận với các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, tăng số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV. Các thai phụ được tiếp cận với các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại phòng tư vấn, chăm sóc; kịp thời phát hiện, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và điều trị ARV cho cặp mẹ - con. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, thu hút đông đảo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tôn giáo và nhân dân tham gia công tác dự phòng, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin