Một nghiên cứu quốc tế do cơ quan khoa học quốc gia của Australia dẫn đầu cảnh báo rằng việc thiếu hụt các nhà khoa học chuyên về lai tạo giống thực vật có thể đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu.
Thu hoạch lúa mạch trên cánh đồng ở Grenfell, phía Tây New South Wales, Australia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo nghiên cứu chung được công bố ngày 11/6 bởi Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Đại học McGill của Canada và Đại học Lincoln ở New Zealand, việc thiếu các kỹ sư lai tạo giống thực vật có kỹ năng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Lai tạo giống thực vật là kỹ năng khoa học về thay đổi các đặc tính của cây trồng để cải thiện tiềm năng di truyền của chúng. Lai tạo giống nhằm mục đích cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong sản phẩm và là nền tảng cho sản xuất toàn cầu các loại thực phẩm cho động vật và con người, cũng như nhiên liệu và sợi.
Nghiên cứu mới cho thấy tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng đã gia tăng trong một thời gian và cần được giải quyết khẩn cấp để duy trì mức sản xuất nông nghiệp, sợi và thức ăn chăn nuôi hiện tại.
"Những gì chúng tôi đang thấy là cả một thế hệ các chuyên gia lai tạo giống thực vật có kỹ năng cao hiện đang đến tuổi nghỉ hưu, tạo ra một khoảng trống khi các cử nhân đại học chọn tập trung vào các lĩnh vực khác của khoa học thực vật, như sinh học phân tử," Lucy Egan, tác giả chính của nghiên cứu từ CSIRO, cho biết. "Những hậu quả của sự thiếu hụt này có thể rất nghiêm trọng, bao gồm ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu và nền kinh tế của các quốc gia khác nhau trên thế giới, bao gồm cả Australia".
Nghiên cứu kêu gọi thành lập các cơ sở đào tạo chuyên về lai tạo giống thực vật trên khắp thế giới để giải quyết tình trạng thiếu hụt và tăng cường sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin