Với việc tự sản xuất và đưa vào vận hành thương mại máy bay dân dụng C919, Trung Quốc đã bước lên một vị thế mới trong ngành sản xuất máy bay toàn cầu.
Một chiếc C919 của Hãng hàng không China Eastern Airlines. |
Theo Reuters, ngày 28-5-2023, chuyến bay mang số hiệu MU9191 của Hãng hàng không China Eastern Airlines chở theo hơn 130 hành khách từ thành phố Thượng Hải tới Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong khoảng hai giờ bay. Nghi thức vòi rồng phun nước chào đón được tổ chức trọng thể. Đây là lần đầu tiên máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất hoàn thành một chặng bay thương mại. China Eastern Airlines đặt mua 5 chiếc C919, dự kiến sẽ nhận toàn bộ trong năm nay, và trước mắt khai thác C919 cho tuyến bay Thượng Hải - Thành Đô.
Thành công của chuyến bay thương mại đầu tiên là một bước ngoặt mang tính biểu tượng đối với C919 - sản phẩm của Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac), đồng thời mở ra một chương mới cho ngành hàng không Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không của quốc gia tỷ dân chứng kiến nhu cầu đi lại tăng mạnh sau hơn 3 năm đình trệ vì đại dịch COVID-19 lây lan. Nền tảng dữ liệu hàng đầu thế giới trong ngành du lịch toàn cầu OAG cũng đánh giá hoạt động bay nội địa của nước này đang phục hồi ổn định.
Điểm lại quá trình phát triển C919 mới thấy rõ được thành tựu đáng ghi nhận của Comac. Đầu năm 2009, tức là chưa đầy một năm sau khi thành lập, doanh nghiệp này giới thiệu dự án C919. Đến năm 2015, lần đầu tiên một nguyên mẫu C919 ra mắt công chúng. Tiếp đó, máy bay thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2017 và được Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp chứng nhận bay vào tháng 9-2022. China Daily dẫn một thống kê cho biết khoảng 200 công ty Trung Quốc cũng như 16 liên doanh giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước tham gia vào dự án. Là dòng máy bay cỡ trung, thân hẹp, một lối đi, C919 có sức chứa thiết kế tối đa 240 hành khách (phiên bản hiện tại là 192 ghế) với tầm bay hơn 5.500km. Mặt khác, The Wall Street Journal trích nhận xét của chuyên gia Mike Yeomans tại Công ty Phân tích hàng không IBA (Anh) cho biết C919 đã được ứng dụng rất nhiều công nghệ mới và hiện đại nhất. Comac còn đang thiết kế dòng C929 để bay liên lục địa, với 250-350 chỗ ngồi và tầm bay 12 nghìn km.
Trước mắt, C919 chỉ hoạt động nội địa do chưa được các cơ quan hàng không thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cấp chứng nhận. Tuy nhiên, sự xuất hiện của máy bay này tại thị trường mua máy bay hàng đầu thế giới là Trung Quốc cũng sẽ khiến các “ông lớn” Boeing và Airbus - vốn chiếm lĩnh thị phần bấy lâu nay ít nhiều lo lắng. Theo South China Morning Post, Bắc Kinh kỳ vọng dự án giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, cũng như đủ sức cạnh tranh với các dòng máy bay cùng phân khúc phổ biến, nhất là về giá cả. Đơn cử, một chiếc C919 có giá 100 triệu USD, so với Airbus A320neo (110 triệu USD) hay Boeing 737 MAX 8 (121 triệu USD). Năm ngoái, Airbus cung cấp hơn 100 máy bay chở khách, còn Boeing bàn giao trên 90 chiếc ở Trung Quốc.
Quả thực, sự thành công của C919 đã mở ra tiềm năng đưa Trung Quốc vào ngành công nghiệp hàng không toàn cầu. South China Morning Post cho biết, tại một diễn đàn đổi mới sáng tạo ở Thượng Hải vào đầu tháng này, Chủ tịch Comac He Dongfeng tiết lộ đã nhận 1.061 đơn hàng máy bay C919 và hiện hoàn thành bàn giao 2 chiếc. Quan trọng hơn, nó đưa Trung Quốc vào danh sách số ít các nước có khả năng thiết kế và sản xuất máy bay thương mại trên thế giới, đại diện cho nỗ lực và quyết tâm tự chủ của quốc gia tỷ dân trong lĩnh vực này./.
Văn Hiếu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin