Nhiều nước đang tăng cường các nỗ lực nhằm thực thi cam kết về trung hòa khí thải carbon, song tài chính, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đang là vấn đề đặt ra với nhiều quốc gia. Theo báo cáo do Công ty tư vấn Wood Mackenzie công bố mới đây, thế giới cần đầu tư 2.700 tỷ USD/năm để đến năm 2050 có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí thải và tránh nhiệt độ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C trong thế kỷ này.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại các khu công nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả giảm phát thải khí methal. Ảnh: Internet |
Các nhà khoa học từng cảnh báo thế giới cần giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở 1,5 độ C trong thế kỷ này để tránh hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Để có thể đạt được mục tiêu này, nhiều chính phủ đã cam kết giảm khí thải ròng xuống bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, phần lớn các nước đều không đi đúng tiến độ trong việc đạt mục tiêu khí thải vào năm 2030, chứ chưa tính đến năm 2050. Wood Mackenzie nhận định, để giảm phát thải carbon trong ngành năng lượng, thế giới cần đầu tư 1.900 tỷ USD/năm để hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất. Khoảng 75% số tiền trong khoản đầu tư này cần tập trung vào các ngành điện và hạ tầng.
Tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nền kinh tế đang phát triển đáp ứng những mục tiêu hành động về khí hậu. Cam kết này đã được tái xác nhận trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên cho đến nay, cam kết vẫn chưa được hiện thực hóa.
Tại COP27 diễn ra ở thành phố Sharm El-Shekh của Ai Cập tháng 11-2022, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad cho biết, các nước đang phát triển sẽ cần nguồn tài chính khí hậu 140-300 tỷ USD vào năm 2030 và con số này cần tăng gấp đôi vào năm 2050.
Sau khi tổ chức COP27, Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện nguồn tài chính quốc tế cho hành động và phát triển khí hậu; đề xuất các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) tăng khả năng cho vay bằng cách cung cấp tài chính ưu đãi và ngăn chặn tài chính khí hậu chồng chéo với tài chính phát triển.
Tài chính vẫn là “nút thắt lớn” mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt trong nỗ lực hiện thực hóa khát vọng giải quyết khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả bởi “có thực mới vực được đạo”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi thực hiện các biện pháp mới, bao gồm các gói tài chính, giảm nợ và xem xét lại hệ thống tài chính toàn cầu để giúp các nước châu Phi đối phó hiệu quả với thảm họa khí hậu. Các nước phát triển cần thực hiện cam kết cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay; đồng thời đưa ra lộ trình rõ ràng và đáng tin cậy để tăng gấp đôi ngân sách cho quá trình chuyển đổi vào năm 2025, như bước đi đầu tiên trong quá trình này.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi tạo ra gói kích thích tài chính trị giá 500 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư cho người dân và phát triển các hệ thống cần thiết nhằm đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã tuyên bố hai định chế tài chính này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu gây ra.
Các nhà lãnh đạo G20 mới đây thông qua tuyên bố tái khẳng định cam kết tăng mức đóng góp cho các nguồn tài chính bền vững để giúp các nước đang phát triển giảm thải khí carbon.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, trong khi kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực của đại dịch, xung đột, mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C dù rất khó khăn, song vẫn khả thi./.
Thái An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin