Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Tây Phi và Sahel, ông Leonardo Santos Simão đã bày tỏ quan ngại tình hình an ninh tại khu vực Tây Phi rộng lớn có thể xấu đi nếu cuộc khủng hoảng tại Niger không được giải quyết.
Phát biểu trực tuyến trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, ông Santos khẳng định cuộc khủng hoảng tại Niger nếu không được giải quyết sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến sự phát triển và cuộc sống của người dân tại đất nước hiện có tới 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo này.
Hiện nhiều nước, trong đó có Anh và Mỹ, cũng đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Niger do lo ngại an ninh bất ổn sau cuộc đảo chính quân sự ngày 26-7.
Hơn 20 triệu người Sudan thiếu lương thực, nguy cơ khủng hoảng nhân đạo cận kề
Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc hôm qua (2-8) cho biết hơn 20 triệu người, tương đương gần một nửa dân số Sudan, đang trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.
Trong bối cảnh xung đột quân sự tiếp diễn, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại Sudan ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn.
Theo thông báo của FAO, hơn 20,3 triệu người, tương đương 42% dân số Sudan, đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao. Báo cáo khẳng định, cuộc xung đột vũ trang bùng phát giữa tháng 4 vừa qua giữa quân đội Sudan và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đối địch, khiến cho số người thiếu ăn tại Sudan tăng hơn gấp nhiều lần so với năm 2022. Trong đó, khoảng 6,3 triệu người đang trong giai đoạn thiếu lương thực khẩn cấp ở mức độ trầm trọng.
Ukraine công bố chiến lược thực thi kế hoạch hòa bình
Ngày 2-8, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã công bố một chiến lược gồm 3 giai đoạn để thực thi kế hoạch hòa bình của nước này, vốn đã được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố hồi cuối năm ngoái.
Theo tuyên bố được Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đăng tải trên Telegram, trong giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra các cuộc gặp giữa giới chức Ukraine và đại sứ chính thức của các nước tại nước này, với mục tiêu thảo luận chi tiết về kế hoạch hòa bình.
Trong giai đoạn thứ hai, Kiev sẽ tiến hành các cuộc thảo luận với các cố vấn an ninh và chính trị quốc gia của các nước, để tìm ra cơ chế thực thi kế hoạch hòa bình.
Giai đoạn cuối cùng là tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo trên thế giới để thực thi các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin