Báo động về những hệ lụy do khủng hoảng kéo dài ở Sudan

08:02, 16/08/2023

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách châu Phi, bà Martha Ama Akyaa Pobee (M.A.Pô-bi) kêu gọi cần một giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột quân sự ở Sudan càng sớm càng tốt.

Người tị nạn Sudan trú ẩn tại khu vực biên giới Cộng hòa Chad. (Ảnh REUTERS)
Người tị nạn Sudan trú ẩn tại khu vực biên giới Cộng hòa Chad. (Ảnh REUTERS)

Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo về một cuộc chiến kéo dài đẩy Sudan tới nguy cơ chia cắt, sự can thiệp của nước ngoài, trong bối cảnh tình trạng người di cư ở quốc gia Ðông Phi này đang ở mức báo động và một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng có thể lan rộng ra toàn khu vực.

Kể từ khi nổ ra giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) hồi giữa tháng 4, các cuộc đụng độ giữa hai bên tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau của Sudan, nhất là ở Khartoum, Bahri, Omdurman và Darfur. Tuy nhiên cho đến nay, chưa bên nào giành được chiến thắng hoặc đạt bất kỳ lợi ích đáng kể nào.

Ðáng chú ý, thủ đô Khartoum vẫn là điểm nóng xung đột với các cuộc giao tranh lớn chung quanh các cơ sở quan trọng của SAF, bao gồm cả trụ sở của bộ tổng chỉ huy SAF. Giao tranh ở Darfur đang khơi lại những vết thương cũ về căng thẳng sắc tộc từ các cuộc xung đột trước đây trong khu vực. Tình hình rất đáng lo ngại và có thể nhanh chóng đẩy đất nước này vào một cuộc xung đột kéo dài với tác động lan tỏa ra khắp khu vực. Theo Bộ Y tế Sudan, các cuộc giao tranh đến nay đã khiến hơn 3.000 người chết và ít nhất 6.000 người bị thương.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, đã có hơn 4 triệu người buộc phải sơ tán do cuộc khủng hoảng ở Sudan hiện nay, bao gồm những người buộc phải chạy trốn ở trong Sudan, gần 700.000 người di tản sang các nước láng giềng và khoảng 195.000 người Nam Sudan buộc phải trở về nước. Nhiều gia đình phải di chuyển trong nhiều tuần với rất ít thực phẩm và thuốc men mang theo.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ngày càng tăng lên và nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như tử vong ngày càng cao. Theo số liệu thống kê, chỉ trong hai tháng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua, đã có hơn 300 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi do mắc bệnh sởi và suy dinh dưỡng. Con số này có thể còn tăng nếu việc tài trợ cho các chương trình y tế quan trọng ở Sudan tiếp tục bị trì hoãn.

Ước tính số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại Sudan đang tăng nhanh hơn dự báo, lên mức 20,3 triệu người, tương đương 42% dân số nước này. So với cùng kỳ năm 2022, số người mới lâm vào cảnh đói kém và cần hỗ trợ khẩn cấp ở Sudan đã tăng thêm 8,6 triệu người. Trong khi đó, nhu cầu thực tế ở Sudan vượt xa các nguồn lực sẵn có. Tại bang White Nile, việc thiếu thuốc men, nhân sự và nguồn cung cấp thiết yếu đang cản trở nghiêm trọng các dịch vụ y tế và dinh dưỡng ở 10 trại tị nạn, nơi có tới hơn 144.000 người mới di tản từ Khartoum đến kể từ khi xảy ra xung đột.

Trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Sudan, trong cuộc họp đầu tiên của cơ chế cấp bộ trưởng các nước láng giềng của Sudan, do Cộng hòa Chad tổ chức tại thủ đô N’Djamena, với sự tham dự của Libya, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia và Eritrea, đại diện Ai Cập đã kêu gọi các nước láng giềng của Sudan cần có tiếng nói thống nhất để thuyết phục các bên tại quốc gia Ðông Phi này chấm dứt những hành động thù địch.

Ai Cập cũng nhấn mạnh trong quá trình trợ giúp Sudan, các nước láng giềng nên tôn trọng chủ quyền của Sudan và không áp đặt điều kiện đối với bất kỳ bên nào, cũng như cần bảo đảm viện trợ đến được với những người đang có nhu cầu cả trong và ngoài Sudan một cách kịp thời. Trong khi đó, với vai trò trung gian hòa giải cho các bên xung đột ở Sudan, Saudi Arabia đã hối thúc các bên tham chiến ở Sudan chấm dứt tất cả hình thức leo thang quân sự và tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Những lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Sudan đã ngừng các cuộc đàm phán gián tiếp với nhóm bán quân sự RSF tại Saudi Arabia. Dù trước đó hai bên đối địch đã đạt được một số lệnh ngừng bắn tạm thời trên toàn quốc, song xung đột tiếp diễn khiến tình hình nhân đạo tại Sudan ngày càng nghiêm trọng, đẩy quốc gia Ðông Phi ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com