Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các quan chức và chuyên gia từ Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhóm họp tại Bangkok, Thái Lan, trong hai ngày 8 và 9-5 để thảo luận việc thúc đẩy hợp tác về chính sách cạnh tranh và thực thi.
Tuần lễ Cạnh tranh EU-ASEAN lần thứ hai do Ủy ban Cạnh tranh Thương mại Thái Lan tổ chức và nằm trong chuỗi đối thoại về chính sách cạnh tranh và thực thi giữa hai bên. Cuộc đối thoại tạo cơ hội cho Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan Cạnh tranh của các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN thúc đẩy hợp tác và trao đổi kỹ thuật. Tại cuộc họp, hai bên đã tập trung thảo luận về hợp tác quốc tế trong chống độc quyền và sáp nhập, vai trò của các sản phẩm đổi mới trong việc đánh giá các trường hợp sáp nhập. Nội dung thảo luận cũng bao gồm sự hỗ trợ của Nhà nước, kiểm soát trợ cấp và các nguyên tắc trung lập trong cạnh tranh.
Cuộc họp là một phần của dự án Hợp tác Cạnh tranh, một chương trình 5 năm do EU tài trợ, cung cấp hợp tác kỹ thuật cho các cơ quan quản lý cạnh tranh ở châu Á. Mục đích là chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự hội tụ trong chính sách cạnh tranh vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp ở cả EU và châu Á.
Tiền lương thực tế ở Nhật Bản liên tục giảm do biến động giá cả
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tổng tiền lương danh nghĩa bình quân của một lao động trong tháng 3-2023, bao gồm tiền lương cơ bản và tiền làm thêm giờ, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 291.081 yen (tương đương 2.153 USD), đánh dấu mức tăng tháng thứ 15 liên tiếp. Trong đó, tiền lương đối với lao động phổ thông làm việc toàn thời gian tăng 1,3%, lên mức 380.082 yen (2.811 USD), trong khi tiền lương của lao động bán thời gian tăng 2,1%, lên mức 101.038 yen (747 USD). Tỷ lệ lao động bán thời gian trên tổng số lao động nói chung đã tăng 0,54 điểm phần trăm, lên mức 31,86%, qua đó kiềm chế mức tăng tiền lương danh nghĩa của người dân ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Tuy nhiên, tiền lương thực tế bình quân đã được điều chỉnh theo lạm phát ở nước này lại giảm 2,9% so với cùng kỳ năm nước, ghi nhận mức giảm tháng thứ 12 liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ tài khóa 2014 khi chính phủ quyết định tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, tiền lương thực tế của người dân Nhật Bản giảm liên tục trong suốt một năm tài chính./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin