Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh thắt chặt kiểm soát súng đạn

07:57, 16/03/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14-3 đã ký sắc lệnh hành pháp quy định xác minh kỹ lưỡng thông tin cá nhân của người mua vũ khí và thắt chặt kiểm soát việc sở hữu. Đây là động thái mới nhất trong chính sách kiểm soát súng đạn được chính quyền Mỹ xem là toàn diện nhất mà không cần Quốc hội thông qua.

Theo tài liệu được công bố, trọng tâm của sắc lệnh kiểm soát súng đạn là tập trung vào việc mở rộng quy trình kiểm tra lý lịch người mua súng nhằm ngăn chặn khả năng tội phạm hoặc những đối tượng từng có hành vi ngược đãi sở hữu súng đạn. Sau khi ban hành sắc lệnh, Tổng thống Biden đã gặp gỡ gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng ở Monterey Park, ngoại ô Los Angeles khiến 11 người thiệt mạng hồi đầu năm nay. 

Báo cáo vào tháng 3 của tổ chức Gun Violence Archive cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2023, gần 3.000 người đã thiệt mạng và 964 trẻ em bị thương do súng đạn ở Mỹ. Theo CNN, đây là những con số kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Ngoài ra, Gun Violence Archive ước tính hơn 43.600 người đã thiệt mạng do các vụ xả súng vào năm 2022.

Na Uy thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt số 1 của châu Âu

Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cho biết khi phát biểu tại một cuộc họp báo của Nghị viện châu Âu mới đây. “Kể từ tháng 9-2022, khí đốt của Nga chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng khí đốt đường ống nhập khẩu vào EU. Nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm ngoái là 61 tỷ m3 (bcm). Nhà cung cấp khí đốt số một cho châu Âu không còn là Nga. Đó là Na Uy”, bà Kadri Simson nói.

Theo bà Simson, những nghi ngờ về việc châu Âu không thể nhập khẩu đủ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế khí đốt của Nga cũng đã tan biến. EU đã mở ba trạm tiếp nhận khí đốt mới trong vòng chưa đầy một năm, trong khi 5 trạm khác được lên kế hoạch hoàn thiện vào cuối năm 2023 với tổng công suất 50 bcm. Châu Âu đã nhập khẩu tổng cộng 135 bcm LNG, trong đó riêng từ Mỹ là 56,4 bcm. Như vậy, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng thêm 34 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm ngoái.

WHO cảnh báo về tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14-3 đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu nhân lực của ngành y tế trên toàn thế giới sau thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành đang làm bùng nổ xu hướng dịch chuyển việc làm, từ nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh đến vai trò “xương sống” của nhân viên y tế trong toàn hệ thống y tế, tuy nhiên bày tỏ quan ngại trước thực tế là hiện có tới 55 nước, trong đó có một số nước có hệ thống y tế yếu nhất thế giới, không có đủ nhân lực và thậm chí còn bị mất đi nhiều “chất xám” do người lao động dịch chuyển ra nước ngoài. Danh sách các nước thuộc diện dễ bị tổn thương do thiếu nhân lực ngành y được WHO cập nhật có thêm 8 nước so với thống kê năm 2020, gồm có Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Timor Leste, Lào, Tuvalu và Vanuatu./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com