Ngày 15-3, Bộ Ngoại giao Brazil thông báo chính phủ nước này đã quyết định áp đặt trở lại các yêu cầu về thị thực đối với khách du lịch từ Mỹ, Australia, Canada và Nhật Bản kể từ ngày 1-10 tới.
Vào năm 2019, Chính phủ Brazil dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro đã dỡ bỏ các yêu cầu về thủ tục xin cấp thị thực đối với du khách đến từ Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ nhằm khuyến khích khách du lịch tới thăm quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, đến nay cả 4 quốc gia trên vẫn tiếp tục yêu cầu thị thực đối với công dân Brazil. Theo chuyên gia phân tích chính trị Leonardo Paz từ Viện nghiên cứu Getulio Vargas Foundation, yêu cầu về thị thực đối với du khách từ các quốc gia trên là một phần trong kế hoạch củng cố chính sách đối ngoại của đương kim Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Brazil đón khoảng 6,4 triệu khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với con số 45 triệu du khách tới thăm Mexico và 7,4 triệu du khách đến Argentina.
Hàn Quốc xây dựng trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới
Trong một phát biểu ngày 15-3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng một tổ hợp siêu nhà máy chip lớn nhất thế giới tại khu vực đô thị Seoul dựa trên khoản đầu tư tư nhân quy mô trị giá gần 300 nghìn tỷ won (tương đương 230 tỷ USD)”. Tổ hợp siêu nhà máy sẽ là xương sống của hệ sinh thái bán dẫn, điều này sẽ giúp Hàn Quốc nhảy vọt, củng cố vị trí là một quốc gia dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đối với các ngành công nghiệp tiên tiến.
Trong một thông báo cùng ngày, tập đoàn điện tử Samsung cho biết họ sẽ xây dựng 5 nhà máy bán dẫn mới trong nước mà chính phủ đề cập. Đây là một phần của cuộc đua toàn cầu nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chip. Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ các nhà máy mới sẽ được thành lập ở Yongin, phía nam Seoul và công tác đầu tư sẽ kết thúc vào năm 2042.
Mỹ tăng cường tiếp cận châu Phi
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có một tuần công du châu Phi vào cuối tháng 3 khi Washington tăng cường tiếp cận với lục địa này trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc. “Chuyến thăm sẽ củng cố quan hệ đối tác của Mỹ trên khắp châu Phi và thúc đẩy những nỗ lực chung của chúng tôi về an ninh và thịnh vượng kinh tế”, phát ngôn viên của Phó Tổng thống Mỹ, Kirsten Allen, cho biết.
Chuyến thăm của bà Harris diễn ra sau các chuyến thăm của đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đến châu Phi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến châu Phi trong tuần này và Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tới châu Phi vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hãng tin AP cho rằng bà Harris sẽ được chú ý đặc biệt với tư cách là Phó Tổng thống “da màu” đầu tiên trong lịch sử Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này đến châu Phi. Phó Tổng thống Harris dự kiến đến Ghana từ ngày 26 đến 29-3, sau đó ở Tanzania từ ngày 29 đến 31-3. Điểm dừng chân cuối cùng của bà là Zambia từ 31-3 đến 1-4. Bà Allen cho biết chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Mỹ ở châu Phi sẽ bao gồm thúc đẩy dân chủ, thích ứng khí hậu, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và an ninh lương thực./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin