Áp lực thiếu hụt lao động

08:38, 16/03/2023

Thiếu hụt lao động đã xuất hiện ngay khi đại dịch COVID-19 lắng xuống và các ngành sản xuất, kinh doanh nối lại hoạt động. Song đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện ở không ít quốc gia. Từ y tế, hàng không, du lịch, vận tải, bưu chính, cho đến các ngành thủ công vẫn long đong tìm cách giải “cơn khát nhân lực” phục vụ hoạt động bình thường.

Hội chợ việc làm trên Đại lộ số 5, thành phố New York, Hoa Kỳ, ngày 3-9-2021.
Ảnh: Reuter

Hội chợ việc làm trên Đại lộ số 5, thành phố New York, Hoa Kỳ, ngày 3-9-2021.

Ảnh: Reuter

Khoảng 14 nghìn vị trí việc làm trong ngành đóng tàu của Hàn Quốc dự kiến còn trống vào cuối năm 2023. Số lượng công nhân đóng tàu ở Xứ sở kim chi đã giảm từ mức 203.441 người trong năm 2014 còn 95.030 người vào cuối tháng 10-2022. 

Tại Anh, các lĩnh vực như khách sạn, vận tải đường bộ... cũng đang trong tình cảnh thiếu lao động. Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nước này hiện có khoảng 1 triệu vị trí việc làm để trống. Hơn 25% số công ty ở Anh có từ 10 nhân viên trở lên thiếu lao động. 

Các ngành nghề thủ công cũng “khát” nhân lực trầm trọng. Truyền thông địa phương dẫn lời ông Tom Oberweis, chủ một hãng bánh ngọt ở Luxembourg cho biết, công ty của ông phải rất kiên nhẫn và mất nhiều thời gian để tìm được nhân viên làm bánh. 

Thiếu hụt nhân sự cũng là một thách thức chưa có hồi kết của ngành hàng không trên con đường phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu người làm việc trong các bộ phận như kiểm kê hành lý, chăm sóc khách hàng đã dẫn tới hiện tượng ùn tắc tại các sân bay trong quãng thời gian cao điểm vào mùa hè năm 2022. 

Một trong những vấn đề khiến việc làm trong ngành hành không khó giữ chân người lao động là mức lương thấp, trong khi công việc vất vả. Những yếu tố này càng trở nên trầm trọng hơn sau vài năm đại dịch COVID-19 hoành hành, bởi dịch bệnh khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động sa sút.

Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhu cầu đi lại bằng máy bay năm 2024 sẽ tăng hơn 4% so với năm 2019. Đây vừa là tín hiệu mừng cho đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không sau một thời gian dài ảm đạm vì dịch bệnh, lại vừa là nỗi lo khi vấn đề nhân lực chưa được giải quyết triệt để. 

Làn sóng đình công của người lao động yêu cầu tăng lương ở một loạt nền kinh tế lớn tại châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha... đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm tê liệt đời sống xã hội với những thiệt hại đáng kể về kinh tế, đẩy các nước cận kề vòng xoáy bất ổn. 

Để giải bài toán thiếu nhân lực, nhiều nước tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài sinh sống, làm việc. Bộ Y tế Australia xác định, việc thu hút thêm các bác sĩ nước ngoài là một giải pháp hiệu quả để củng cố hệ thống y tế. Bộ này nhấn mạnh, trong quá trình rà soát các dịch vụ y tế đa khoa, cần tìm hiểu cách thức thu hút thêm nhân lực người nước ngoài đến Australia và công nhận các chứng chỉ, bằng cấp của họ. Trong khi đó, Chính phủ Anh cân nhắc nới lỏng chính sách cấp thị thực nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động liên quan tới các quy định nhập cư chặt chẽ trong giai đoạn hậu Brexit. 

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Để không lỡ chuyến tàu phục hồi, phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, giới phân tích khuyến cáo các doanh nghiệp vạch chiến lược toàn diện, linh hoạt trong tuyển dụng và đào tạo người lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm bớt áp lực về nhân sự./.

Theo Báo Nhân Dân
 



Cách tìm việc làm chất lượng Giày bảo hộ ziben chính hãng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com