Thế giới ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong 8 năm qua do La Nina

10:27, 11/01/2023

Nhiệt độ ở châu Âu đã tăng hơn hai lần so với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 30 năm qua, và khu vực này ghi nhận tốc độ tăng nhiệt cao nhất so với bất kỳ lục địa nào khác trên toàn cầu.

Người dân giải nhiệt tránh nóng tại khu vực đài phun nước ở Bordeaux, Pháp, ngày 18/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân giải nhiệt tránh nóng tại khu vực đài phun nước ở Bordeaux, Pháp, ngày 18/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/1, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết 8 năm qua ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.

Theo C3S, nhiệt độ trung bình trong năm 2022 - năm chứng kiến một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu - khiến năm này trở thành năm nóng nhất thứ 5 kể từ khi C3S bắt đầu thu thập dữ liệu về vấn đề này vào thế kỷ 19.

Báo cáo hằng năm của C3S cho thấy, Pakistan và miền bắc Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng như thiêu như đốt vào mùa xuân kéo dài 2 tháng với nhiệt độ luôn vượt trên 40 độ C.

Tiếp đó, Pakistan hứng chịu trận mưa lũ lịch sử nhấn chìm 1/3 lãnh thổ nước này, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD.

Ở châu Âu, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình trong năm 2022, trong bối cảnh toàn bộ châu lục này trải qua năm nóng kỷ lục thứ hai. Các đợt nắng nóng trên khắp lục địa Già trở nên nghiêm trọng hơn do điều kiện khô hạn.

Nhiệt độ ở châu Âu đã tăng hơn hai lần so với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 30 năm qua, và khu vực này ghi nhận tốc độ tăng nhiệt cao nhất so với bất kỳ lục địa nào khác trên toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nêu rõ: "Năm 2022 là một năm nữa của các hiện tượng khí hậu cực đoan trên khắp châu Âu và toàn cầu. Những sự kiện này cho thấy chúng ta phải trải qua những hậu quả thảm khốc của thế giới đang nóng lên."

Các vùng rộng lớn ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi trong cả năm 2022 cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình cao chưa từng có. Các vùng cực của Trái Đất cũng ghi nhận nhiệt độ tăng kỷ lục.

Thí dụ như, trạm Vostok xa xôi nằm sâu trong nội địa Đông Nam Cực đạt nhiệt độ âm 17,7C, ấm nhất từng đo được trong lịch sử 65 năm hoạt động của trạm này.

Trong khi đó, diện tích băng biển ở Nam Cực trong tháng 2/2022 giảm xuống mức thấp nhất trong mùa hè ở nam bán cầu.

Ở đầu kia của Trái đất, nhiệt độ tại Greenland trong tháng 9/2022 cao hơn 8 độ C so với mức trung bình, đẩy nhanh quá trình tan băng - nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao.

Theo C3S, những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu cho đến nay (theo thứ tự nhiệt độ giảm dần) là năm 2016, 2020, 2019 và 2017.

Nồng độ trong khí quyển của hai loại khí nhà kính chính gây ra sự nóng lên toàn cầu - carbon dioxide (CO2) và metan (CH4) - cũng tiếp tục tăng lên mức kỷ lục trong hàng thập kỷ.

CO2 tăng lên 417 phần triệu - mức cao nhất trong hơn hai triệu năm qua trong khi CH4 tăng lên 1.894 phần tỷ lên mức chưa từng thấy trong 800.000 năm.

Ông Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Dịch vụ Giám sát Khí quyển của C3S, cho biết nồng độ khí quyển đang tiếp tục tăng mà không có dấu hiệu giảm.

Thế giới đang hướng tới mức tăng nhiệt nguy hiểm 2,8 độ C so với mức tăng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, kiềm chế mức tăng nhiệt Trái đất ở 1,5% sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 và CH4 từ quá trình sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên - vẫn tiếp tục tăng, ngay cả khi thế giới tăng tốc quá trình khử cacbon trong hoạt động kinh tế.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com