Hàn Quốc sẽ tập trung mở rộng phạm vi ngoại giao trong năm 2023

07:58, 13/01/2023

Hàn Quốc có kế hoạch tập trung nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao trong năm 2023 bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia khác có “chung giá trị” để vượt qua “các cuộc khủng hoảng phức tạp toàn cầu” hiện nay. Đây là nội dung được nêu trong báo cáo tóm tắt các nhiệm vụ chính sách lớn trong năm 2023 mà Bộ Ngoại giao Hàn Quốc gửi tới Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia chủ chốt toàn cầu” thông qua những chính sách ngoại giao chủ động, đón đầu. Dự kiến trong năm 2023, Seoul sẽ thúc đẩy hàn gắn quan hệ với Tokyo, hướng tới mối quan hệ lành mạnh trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau với Bắc Kinh. Đối với Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với “lập trường linh hoạt và cởi mở” đồng thời tăng cường hợp tác với các nước có liên quan để thúc đẩy các cuộc đàm phán.

G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang có kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết, G7 muốn áp dụng hai mức giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin, dầu mỏ của Nga được bán với giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay trên thị trường thế giới và rẻ hơn nhiều so với mức giá trần 60USD/thùng do các nước G7 công bố. Vào ngày 6-1 vừa qua, giá dầu thô Urals tại cảng Primorsk được giao dịch ở mức 37,8USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn thế giới là 78,57USD/thùng. Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này.

Israel bán cảng Haifa trị giá 1,15 tỷ USD cho tập đoàn Ấn Độ

Tập đoàn Adani của Ấn Độ ngày 11-1 đã hoàn tất thương vụ mua cảng Haifa của Israel với trị giá lên đến 4 tỷ NIS, tương đương 1,15 tỷ USD.

Hãng Adani thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, được Tạp chí Forrbes bình chọn là người giàu thứ 3 thế giới với tài sản ròng ước tính khoảng 125 tỷ USD. Đây là công ty điều hành cảng thương mại lớn nhất Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 1/4 lưu lượng hàng hóa của quốc gia Nam Á. Một trong những đồng sở hữu mới của cảng Haifa là Tập đoàn hóa chất Gadot của Israel.

Trước đây, cảng Haifa do Công ty Cảng Haifa điều hành. Đây là cảng lớn nhất, quan trọng hàng đầu trong lưu thông hàng hóa của Nhà nước Do Thái. Do hoạt động kém hiệu quả trong 20 năm qua nên Bộ Tài chính Israel quyết định tư nhân hóa cảng này nhằm làm tăng tính cạnh tranh giữa các cảng biển của quốc gia này và qua đó giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com