Chuyện nghề những "nàng Bân" thời hiện đại

08:34, 10/02/2023

Nghề đan, móc len sợi thủ công vốn là nghề “tay trái” của đa số cán bộ công nhân viên chức, người lao động Thành Nam từ lâu. Trước đây, thành phố từng có hợp tác xã đan len xuất khẩu các sản phẩm đan, móc, ren (áo, khăn trùm đầu, khăn quàng cổ, khăn trải bàn,...). Ngày nay, với sự hỗ trợ của internet, giao lưu trực tuyến toàn cầu, các kinh nghiệm, kiểu cách, mẫu mã sản phẩm đan móc được chia sẻ, trao đổi trực tuyến, phổ biến đã giúp những người có bàn tay khéo léo và niềm đam mê với nghề thủ công không chỉ thỏa mãn sự sáng tạo mà còn kiếm tiền, làm giàu từ nghề này.

Chị Lại Bích Thủy, chủ thương hiệu sản phẩm handmade Thuylai (thành phố Nam Định) hướng dẫn kỹ thuật móc len cho trẻ nhỏ.
Chị Lại Bích Thủy, chủ thương hiệu sản phẩm handmade Thuylai (thành phố Nam Định) hướng dẫn kỹ thuật móc len cho trẻ nhỏ.

Trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Thành Nam vẫn in đậm hình ảnh các mẹ, các chị thoăn thoắt tay kim, tay sợi, đan những chiếc áo, tấm thảm len đẹp như gấm, như hoa. Đan len, kéo sợi xơ len là một trong những nghề thủ công tay trái cùng với các nghề như bóc lạc, dán phong bì, dán hộp... giúp các gia đình kiếm thêm thu nhập nên người lớn, trẻ con, mỗi người mỗi việc phù hợp làm không ngơi tay ngoài giờ đi làm, đi học. Khi cơ chế bao cấp không còn, thị trường xuất khẩu sản phẩm len thủ công ở các nước xã hội chủ nghĩa không còn, máy dệt len xâm nhập, nghề đan len thủ công trầm lắng. Người có nghề chỉ còn tự đan móc sản phẩm quần, áo, tất, mũ dùng trong gia đình hoặc theo đặt hàng cá nhân. Đặc biệt, quần áo khăn mũ đan bằng tay bao giờ cũng có độ giữ ấm hơn hẳn len dệt cho sợi len không bị xe chuốt qua máy nên có độ bông xốp. Sản phẩm đan móc tay được sáng tạo theo ý người dùng, có tính riêng biệt nên vẫn có một đời sống và thị trường riêng để tồn tại. 

Thời gian gần đây xu hướng tiêu dùng sản phẩm đan móc thủ công truyền thống ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống với nhiều ứng dụng hơn so với trước đây. Không chỉ là sản phẩm được đan móc bằng len sợi để giữ ấm vào mùa đông mà với sự hỗ trợ của công nghệ số, internet, sản phẩm đan móc ngày càng đa dạng chủng loại, chất liệu và ứng dụng từ len, sợi bông, sợi xe, chỉ, cước,... để làm các loại vỏ bọc bình, lọ hoa, khăn trải bàn và cả thú nhồi bông, túi xách, mũ, nón, phụ kiện trang trí thời trang… Đặc biệt, với khả năng sáng tạo phong phú, những sản phẩm handmade từ len, sợi không những tinh tế, độc đáo mà còn thể hiện được tình cảm, thái độ của người thợ đan móc qua từng đường kim, mũi chỉ và phong cách của người sử dụng. Rất nhiều sản phẩm đan móc thủ công làm quà tặng lưu niệm được khách du lịch rất ưa chuộng bởi sự thú vị, tinh tế, khéo léo sáng tạo con người trong mỗi sản phẩm. Đây là cơ hội để nghề đan, móc truyền thống có cơ hội phát triển trở lại đời sống kinh tế - xã hội. 
Chị Lại Bích Thủy, chủ thương hiệu sản phẩm handmade Thuylai thành phố Nam Định cho biết: “Từ lúc nhỏ tôi đã được mẹ dạy cách cầm kim đan, kim móc. Len thời ấy cũng hiếm lắm, mẹ tôi thường gỡ những chiếc áo, khăn, mũ cũ ra đan, móc lại. Khi đã thạo, tôi thích móc được những món đồ nhỏ xinh để làm quà tặng sinh nhật bạn bè; rồi nhận đan gia công hàng xuất khẩu tạo thêm thu nhập cho gia đình. Xu hướng thị trường thay đổi, đến lúc không kiếm được tiền từ sản phẩm đan, móc tôi cũng chuyển sang làm nghề khác. Đến khi nghỉ sinh cháu đầu lòng, tôi lại muốn tự tay mình móc quần, áo, giày mũ cho con. Kết quả ngoài mong đợi. Những món đồ tôi làm cho con được bạn bè đến chơi thích thú, đặt làm, rồi giới thiệu thêm khách. Đam mê trỗi dậy cũng là lúc thương mại điện tử phát triển, những món đồ tôi làm được quảng cáo online và nhanh chóng đến với nhiều khách hàng có chung niềm yêu thích, ngày càng nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng online. Tranh thủ ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi tôi học làm mẫu, sưu tầm nguyên liệu để đáp ứng tất cả những sản phẩm từ quần áo, thú nhồi bông, thời trang bikini, mũ, túi xách đi biển… theo yêu cầu của khách hàng. Giá mỗi sản phẩm từ vài chục nghìn đồng đến tiền triệu nhưng khách hàng rất thích. Tôi cũng lập kênh youtube hướng dẫn kỹ thuật đan móc và mở lớp học đan móc online cho các cháu nhỏ trong thời gian nghỉ hè để các em có thêm kỹ năng sống, tránh xa thiết bị công nghệ và cha mẹ cũng không quá tốn kém trong việc đầu tư nguyên liệu, dụng cụ cho các con. Đến giờ cũng đã gần chục năm. Mặc dù đến nay, thu nhập từ nghề mới chỉ là lấy công làm lãi nhưng cũng cho tôi khoản thu đáng kể, lại được sống với đam mê. Nhiều khách hàng yêu quý gọi tôi là “Nàng Bân” thời hiện đại.
Điều đáng mừng là những “nàng Bân” thời hiện đại như chị Lại Bích Thủy không phải là hiếm. Vài năm gần đây, nghề đan móc thủ công mỹ nghệ đã từng bước phát triển trở lại, thành một trào lưu trong giới trẻ để họ thể hiện sự khéo tay và nữ tính của mình. Quá trình thăm dò, tìm hiểu về sự phát triển của nghề này hiện nay, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hằng ở thành phố Nam Định là “tín đồ” của sản phẩm đan móc thủ công. Trò chuyện với phóng viên, chị vui mừng khoe một chiếc hộp bút xinh xinh màu hồng móc bằng sợi, sản phẩm của cô con gái út vừa làm được. Chị cho biết, “kỳ nghỉ Tết năm nay, các thầy cô không giao bài tập về nhà để học sinh được thoải mái nghỉ ngơi, trải nghiệm trọn vẹn không khí Tết. Kỳ nghỉ Tết dài, nên khi hết Tết, để con không chơi nhiều quen chân, những lúc rảnh rỗi tôi cùng cháu học đan móc qua lớp học online và xem các video của hội nhóm những người yêu len sợi. Chỉ sau 1 buổi học đầu tiên cháu đã biết cách cầm kim, cuốn chỉ và móc được những mũi cơ bản và cuốn theo. Vậy là bỏ hết ti vi, điện thoại, kỳ nghỉ Tết này cháu đã có thêm kiến thức về kỹ thuật đan móc và hoàn thiện sản phẩm tái chế từ len cũ theo yêu cầu của nhà trường”.

Trong thị trường hàng tiêu dùng phong phú các sản phẩm sản xuất hàng loạt, dù rất tinh xảo song sản phẩm handmade vẫn có vị trí riêng. Ngoài ra nghề này có thể giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận cũng như phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ em./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com