Kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu tương đông

07:49, 06/09/2023

1. Chọn đất và chuẩn bị đất

a. Chọn đất

Đậu tương là cây có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng để có năng suất cao thì tốt nhất là loại đất có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, giữ ẩm và thoát nước tốt: đất thịt nhẹ, đất cát pha, phù sa ven sông, thích hợp nhất trên đất cát pha và thịt nhẹ. Ruộng cần bố trí nơi đất chủ động tưới tiêu nước, đặc biệt là trong vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc.

b. Làm đất, lên luống

- Đất bãi ven sông và đất chuyên màu áp dụng kỹ thuật gieo trồng trên nền đất khô, đất có thể cày, bừa, lên luống hoặc san phẳng mặt, rạch thành hàng để gieo đậu. Đất phải được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, xử lý đất trước khi gieo hạt bằng vôi bột.

- Đối với đất chuyên cho cây trồng cạn: Lên luống rộng 80 cm, cao 20 - 25 cm, rạch 2 hàng. Khoảng cách giữa 2 hàng là 40 cm. Rãnh thoát nước rộng 30 - 35 cm. Nếu đất thoát nước tốt thì làm luống rộng 1,2 m để trồng 3 hàng, mỗi hàng cách nhau 40 cm.

- Trên đất sau lúa Mùa: Áp dụng biện pháp không làm đất, gieo hạt vào gốc rạ theo hàng lúa (2 hàng lúa gieo 1 hàng đậu tương) hoặc gieo vãi có làm đất; yêu cầu ruộng thoát nước, cày tạo rãnh thoát nước với băng rộng 2 - 3m.

- Đối với đất dốc: phải thiết kế thành băng chống xói mòn, phải lên luống tạo rãnh thoát nước kịp thời khi mưa to (mặt luống rộng 1,0 - 1,2 m, cao 15 - 20 cm, rãnh rộng 25 - 30 cm).

Chăm sóc cây đậu tương.

2. Thời vụ

- Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: Gieo từ 1/9 đến 5/10, nhưng tốt nhất nên gieo trước 25/9. Nếu sử dụng các giống ngắn ngày, chịu rét có thể gieo đến 10/10.

Chú ý: Gặt lúa Mùa xong tranh thủ gieo đậu tương ngay để tận dụng những điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, ẩm độ của đầu vụ, đậu tương Đông càng gieo muộn, cây sinh trưởng càng kém và năng suất càng thấp.

- Các tỉnh Duyên hải miền Trung: Đối với đất chuyên trồng màu và đất bãi ven sông, sau khi nước rút có thể gieo sớm, từ 15/9 đến 20/9. Trên đất ruộng cao, kết thúc gieo trong tháng 10.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Gieo chủ yếu vào mùa khô, trong tháng 12.

3. Mật độ trồng

Gieo ở mật độ 25 - 50 cây/m2 tuỳ theo hình thức gieo, giống và vụ gieo trồng.

Vụ Đông ở phía Bắc thời tiết lạnh và ngày ngắn nên gieo dày hơn.

Giống có thời gian sinh trưởng ngắn (70 - 90 ngày) gieo dày: 35 - 50 cây/m2; giống có TGST trung bình (90 - 100 ngày) gieo mật độ vừa phải: 25 - 40 cây/m2; giống có TGST dài (trên 100 ngày) gieo thưa hơn: 20 - 35 cây/m2.

Gieo theo luống trên nền đất khô: Lượng giống 55 - 60 kg/ha, hàng cách hàng 35-40 cm (tùy theo từng vùng), gieo 2 hạt/hốc, hốc cách hốc 7 - 8 cm.

4. Cách gieo

Gieo vãi: Áp dụng với ruộng cao. Lượng giống 80 - 90 kg/ha, khi gieo đất phải đủ ẩm và có rãnh thoát nước theo luống hoặc theo băng. Chia hạt cho từng luống hoặc băng để rắc cho đều, sau khi gieo tiến hành phủ hạt và kiểm tra kỹ việc thoát nước cho ruộng. Chọn khoảng ruộng an toàn, gieo thêm với mật độ dày hơn cho mỗi héc ta khoảng 150 - 200 m2 để dặm. Thời điểm tỉa dặm sau gieo từ 5 - 7 ngày.

Gieo theo luống không làm đất: Gặt sát gốc rạ, sau đó tạo rãnh thoát nước bằng cày, cuốc, các rãnh cách nhau 1,5 m (bằng bề ngang luống). Rạch thành hàng ngang luống, sâu 3-5 cm, hàng cách hàng 30 - 35 cm và gieo hạt theo hàng, hạt cách hạt 3 - 5 cm.

Gieo theo luống được làm đất: Lên luống rộng 1,2 m, rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm. Dùng cuốc tạo thành rạch ngang sâu 2 - 3 cm, rạch cách nhau 30 cm. Tra hạt theo hốc 2 - 3 hạt với hốc cách hốc 7 - 12 cm.

Gieo theo gốc rạ: Thu hoạch lúa xong, tạo rãnh thoát nước như trường hợp gieo vãi. Dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 2 hạt vào kẽ tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra vào giữa gốc rạ, hạt đậu sẽ không hút được ẩm để nảy mầm. Hai hàng lúa thì gieo 1 hàng đậu tương. Lượng giống 60 kg/ha.

Chú ý: Không gieo hạt vào những ngày mưa to, hạt bị trương nước làm giảm sức nảy mầm. Phơi lại hạt giống trước khi gieo, phơi trên nong, nia, dưới nắng nhẹ để kích thích hạt nảy mầm.

5. Phân bón và cách bón

a. Lượng phân bón

Lượng phân bón cho 1 ha đậu tương trồng thuần:

- Phân bón hữu cơ: 8-10 tấn phân chuồng hoai mục, nên ủ phân bằng nấm Trichoderma, vừa phân hủy tốt xác bã hữu cơ, vừa cung cấp một số chủng nấm đối kháng diệt một số nấm có hại trong đất trồng đậu tương. Trong trường hợp không có phân chuồng thì dùng 1,5 - 2 tấn phân hữu cơ vi sinh.

- Vôi bột: 400 - 500 kg.

- Dinh dưỡng nguyên chất: 10 - 20 kg N, 30 - 60 kg P2O5, 40 – 70 kg K2O tùy theo giống.

b. Cách bón

Toàn bộ phân hữu cơ kết hợp với phân lân trộn đều rồi ủ kỹ trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân. Vôi bột rắc đều lên mặt luống khi làm đất.

- Bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục (hoặc hữu cơ vi sinh) + toàn bộ phân lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali trước lúc bừa lần cuối cùng hoặc bón vào hốc, vào hàng đã rạch. Trước khi gieo hạt cần phủ lớp đất mỏng lên phân đã bón lót, tránh để hạt tiếp xúc với phân bón.

- Bón thúc lần 1: 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali khi cây có 2 - 3 lá thật.

- Bón thúc lần 2: Số phân còn lại khi cây có 5- 6 lá thật, kết hợp làm cỏ và vun xới

Lưu ý: Những vùng đất chua nên bón phân lân nung chảy.

6. Chăm sóc

Tỉa, dặm: Khi cây có 1 - 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh, chỉ để lại 1 - 2 cây đậu khỏe/khóm. Dặm cây mới vào những chỗ cây bị chết.

Xới xáo: Áp dụng cho chân đất khô và đất sau gặt lúa với phương thức gieo theo hàng gốc rạ. Không áp dụng với phương thức không làm đất gieo trên nền đất ướt có phủ rơm rạ. Lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá thật, xới nhẹ vào gốc, tỉa định cây, kết hợp bón thúc lần 1. Lần 2: Khi cây có 5 - 6 lá thật, xới vun cao sát gốc, kết hợp bón thúc lần 2.

Tưới nước: Nguyên tắc chung cần giữ độ ẩm đồng ruộng thường xuyên 65 - 70% độ ẩm tối đa. Tưới nước vào các thời kỳ 2 - 4 lá thật, trước khi ra hoa, hình thành quả và quả trưởng thành (có thể tưới bất kỳ giai đoạn nào khi cần để đảm bảo độ ẩm yêu cầu nêu trên).

Cách tưới: Tưới rãnh ngập 2/3 luống để ngấm đều, sau đó tháo cạn.

- Phòng trừ sâu bệnh: chú ý phòng trừ một số sâu bệnh hại chủ yêu như: giòi đục thân và đục ngọn, sâu đục quả, bệnh héo xanh, lở cổ rễ, gỉ sắt… Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của mỗi thuốc. Chú ý cách sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng).

7. Thu hoạch và bảo quản

a. Thu hoạch

- Thời điểm thu hoạch: Khi trên cây có 80 - 85% quả chín (trên 2/3 số quả chuyển sang màu vàng sẫm). Thu hoạch vào ngày thời tiết nắng ráo để tiện vận chuyển và phơi. Không thu đậu vào lúc mưa, hạt dễ bị thối, mốc.

Cắt gom cây, rải phơi trên sân gạch hoặc bê tông 3 - 4 nắng, đập lấy hạt hoặc tuốt trên máy tuốt lúa đạp chân. Tiếp tục phơi hạt đến khô, độ thủy phần 10-12%.

- Phân loại: Những cây chín nhiều (khô) phơi riêng, cây còn nhiều quả xanh có thể ủ thêm 2 - 3 ngày cho chín tiếp. Cây khô đập tách lấy hạt, phân loại để bảo quản hoặc tiêu thụ.

b. Bảo quản

Nếu bảo quản dài ngày, cần phơi khô hạt trên nong, nia, cót, bạt,... đến khi hạt giống đạt độ ẩm 10 - 12% (cắn hạt không dính răng). Không phơi hạt trực tiếp trên nền xi măng, nền gạch. Gom lại hạt đậu, để nơi thoáng mát 4 - 6 giờ cho nguội, đóng bao bì, bảo quản nơi khô ráo và chủ động phòng trừ mọt đục hạt.

Theo khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com