Để lúa vụ mùa đạt năng suất cao

20:32, 17/08/2023

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới thời tiết diễn biến rất phức tạp, các đợt nắng nóng còn xảy ra. Thời tiết sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa trên 150mm) và có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng gây dư thừa lượng đạm cho lúa, tạo điều kiện cho sâu, bệnh, nhất là bệnh bạc lá bùng phát diện rộng. Đồng thời, rầy sẽ nở rộ với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh lùn sọc đen, ảnh hưởng rất lớn năng suất lúa mùa. Vì vậy các địa phương, nông dân cần tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo đảm an toàn cho các trà lúa mùa sinh trưởng, phát triển, đạt năng suất cao.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh để khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh để khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Những ngày qua, mặc cho thời tiết nắng nóng nhưng đồng chí Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nam Thái, xã Kim Thái (Vụ Bản) Trần Đức Trung vẫn thường xuyên có mặt trên những cánh đồng Sào, Mét, Xung... để kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời các loại sâu, bệnh xuất hiện gây hại lúa mùa. Vạch từng hàng lúa, anh Trung cho biết: Thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên tôi và các đồng chí trong HĐQT phải liên tục phân công nhau kiểm tra, bám đồng ruộng để nắm tình hình. Nếu xuất hiện các dấu hiệu sâu, bệnh hại mới vượt ngưỡng cho phép thì ngay lập tức thông báo trên hệ thống loa truyền thanh hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó đến nay toàn bộ trên 200ha lúa mùa của HTX đều phát triển tốt, an toàn, không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời tiết trong những ngày qua liên tục có mưa, nền nhiệt cao, thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ. Hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 có mật độ cao gấp 4-5 lần năm trước, lứa kéo dài, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và hình thành 2 cao điểm. Cao điểm 1 phân bố tập trung trên diện tích lúa tốt sớm, xanh tốt, ven làng với mật độ trứng và sâu non phổ biến 20-50 con + quả trứng/m2, cao 150-200 con + quả trứng/m2. Cao điểm 2 phân bố trên diện rộng lúa đại trà, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 18 đến 25-8; mật độ sâu phổ biến 70-100 con/m2, nơi cao 300-400 con/m2, cục bộ có những diện tích có mật độ 500 con/m2. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ phổ biến 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, tuổi 4-5, trưởng thành. Rầy lứa 5 sẽ nở rộ từ 22 đến 30-8, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 1.000-3.000 con/m2, cục bộ có nơi trên 3.000 con/m2. Sâu đục thân 2 chấm có mật độ nơi cao 1-2 con/m2, cục bộ 5-10 con/m2 tuổi 3, 4, 5, mật độ sâu cao gấp 3-4 lần cùng kỳ năm trước. Bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, cao 10-15%, mức độ gây hại tương đương cùng kỳ năm trước. Bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Ngoài ra, lúa cỏ (lúa ma, lúa dại) đang tiếp tục phát sinh và gây hại trên lúa… 

Trước tình hình trên, để đảm bảo chăm sóc, bảo vệ tốt các trà lúa mùa, Sở NN và PTNT đề nghị UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi các huyện tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các công ty thuỷ nông chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng úng, trũng; huy động mọi lực lượng, phương tiện để chủ động chống úng cho lúa khi có mưa lớn xảy ra. Tuyệt đối không bón đạm lai nhai, bón tăng lượng phân lân, phân kali, giảm lượng đạm để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chống đổ tốt. Tăng cường theo dõi và phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại. Tích cực phát động và tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng, lúa cỏ (lúa ma), cỏ dại. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo thành công các mô hình “cánh đồng lớn”, mô hình “cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” cho nông dân, tạo tiền đề nhân rộng trong những vụ tiếp theo. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng chí Nguyễn Hòa Vang, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản cho biết: Phòng NN và PTNT huyện có văn bản đề nghị các xã, thị trấn tăng cường hoạt động dự báo, quản lý dịch hại cây trồng, hướng dẫn xã viên phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, chủ động phòng ngừa rầy, bệnh lùn sọc đen, tiếp tục diệt chuột, ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công. Triển khai rà soát, thống kê diện tích bỏ ruộng hoang, mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cơ cấu giống lúa vụ mùa 2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp, tổ chức điều hành tiêu nước và có phương án cụ thể để đối phó kịp thời khi xảy ra tình trạng mưa úng, bảo vệ an toàn diện tích lúa mùa./. 

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com