Kỹ thuật vỗ béo bò

07:55, 23/08/2023

1. Lựa chọn bò vỗ béo

Đối tượng bò được đưa vào vỗ béo: Những con bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; bê, bò đực, không mắc bệnh truyền nhiễm.

Khi chọn bò vỗ béo cần lưu ý:

- Giống: Bò lai phát triển nhanh hơn các giống bò địa phương;

- Giới tính: Bò đực phát triển nhanh hơn bò cái;

- Tuổi bò: Bò càng già hiệu quả sử dụng thức ăn càng kém;

- Thể trạng: Bò gầy vỗ béo cho hiệu quả cao hơn bò có thể trạng béo;

- Sức khỏe và ngoại hình: Bò không mắc bệnh, mắt tinh nhanh, có thân hình cân đối, đầu thanh, chân thanh, bụng thon, da đàn hồi tốt, lông mịn, đuôi luôn luôn cử động, cụm lông đuôi dài.

Những con bò thuộc đối tượng trên phải được phân nhóm theo tuổi, giống, giới tính và thể trạng. Những bò bị bệnh phải điều trị khỏi bệnh trước khi vỗ béo.

Ảnh minh họa/Internet.

2. Cách xác định khối lượng cơ thể bò

Có nhiều cách xác định khối lượng cơ thể bò như dùng cân, dùng thước đo chuyên dụng hoặc sử dụng thước dây. Cách đo bằng thước như sau:

Để bò đứng nơi bằng phẳng và đo vòng ngực (VN), dài thân chéo (DTC) như hình vẽ. Khi có được số đo của VN và DTC áp dụng vào công thức tính: P = [(VN x VN) x DTC x 90] ± 5%

Trong đó: P: Khối lượng (kg); VN: Vòng ngực (m); DTC: Dài thân chéo (m). Nếu bò béo +5%, bò gầy -5% khối lượng vừa tính được.

3. Tẩy ký sinh trùng

Trước khi đưa vào vỗ béo bò phải tẩy nội, ngoại ký sinh trùng:

- Ngoại ký sinh trùng: ve, rận, mòng... Sử dụng một trong các loại thuốc như sau: Ivermectin, Deltamethrin, Pyrethroid... Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Nội ký sinh trùng: giun sán đường ruột, giun phổi, sán lá gan… Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Ivermectin, Albendazol, Levamisol, Mebendazol, Fenbendazol, Benzimisazol, Bithionol... Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Thức ăn

Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, khoáng đa - vi lượng và vitamin. Ưu tiên tận dụng thức ăn sẵn có tại địa phương.

* Thức ăn thô xanh: Các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (rỉ mật, vỏ hoa quả, bã bia, bã rượu, bã đậu, phụ phẩm dứa, ...), thức ăn xanh chiếm 55 - 60% vật chất khô trong khẩu phần.

* Thức ăn tinh: Thức ăn tinh chiếm 40 - 45% vật chất khô trong khẩu phần.

Phối trộn thức ăn tinh:

Yêu cầu chung:

- Phải có ít nhất ba loại nguyên liệu thức ăn trở lên. Càng có nhiều loại nguyên liệu trong thành phần càng tốt, nên tận dụng tối đa nguyện liệu sẵn tại địa phương.

- Các nguyên liệu đem phối trộn phải đảm bảo có chất lượng tốt, khô, không hấp hơi hoặc vón cục, không ôi, mốc và không có mùi lạ.

- Trước khi phối trộn các nguyên liệu thức ăn phải được nghiền nhỏ. Khối lượng nguyên liệu đem phối trộn phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh giảm chất lượng thức ăn do phải bảo quản lâu.

Cách phối trộn:

- Đổ dàn đều các nguyên liệu thức ăn đã nghiền nhỏ ra nền nhà hoặc sân gạch có lót bạt, theo thứ tự loại nhiều đổ trước, loại ít đổ sau.

- Đối với các loại nguyên liệu có khối lượng ít như muối, bột xương, urê … phải trộn với một ít bột ngô hoặc cám để tăng khối lượng, sau đó trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo phân bố đều trong hỗn hợp thức ăn.

- Dùng xẻng hoặc tay trộn đều cho đến khi hỗn hợp thức ăn có màu đồng nhất.

- Đóng thức ăn vào bao buộc kín lại cho bò ăn dần.

Cách bảo quản:

- Thức ăn đã phối trộn cần được bảo quản ở nơi khô, mát, có mái che. Cần đặt các bao thức ăn lên giá kê đồng thời cách xa tường để tránh ẩm mốc.

- Phải có biện pháp để tránh chuột bọ phá hỏng thức ăn.

5. Chuồng trại và phương thức vỗ béo

Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, đủ diện tích để bò đi lại tự do trong chuồng.

 Phương thức vỗ béo: Để vỗ béo hiệu quả cao, nên nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn chế độ ăn tự do theo nhu cầu. Cho ăn thức ăn xanh trước, sau đó cho ăn thức ăn tinh. Khi mới vỗ béo cần cho bò tập ăn thức ăn tinh, sau đó tăng dần.

Căn cứ vào khối lượng ban đầu trước khi vỗ béo, hàng tháng xác định khối lượng cơ thể để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.

6. Vệ sinh thú y

Thường xuyên tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước, trong và sau khi vỗ béo. Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời trong thời gian vỗ béo, đặc biệt các bệnh đường tiêu hóa.

7. Thời gian vỗ béo

Tùy thuộc vào đối tượng bò đưa vào vỗ béo, từ 60 – 90 ngày. Nếu kéo dài thời gian vỗ béo, khả năng tăng trọng sẽ giảm, tiêu tốn và chi phí thức ăn cao, hiệu quả vỗ béo thấp. Cần bán, giết thịt ngay sau khi kết thúc vỗ béo.

Theo khuyennongvn.gov.vn


Từ khóa:

Mô hình

chăn nuôi

hữu cơ


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com