Trong Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước năm xưa, Bác Hồ viết “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nam Định từng là trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã kiên cường khắc phục khó khăn với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", "tất cả vì miền Nam ruột thịt", vừa sản xuất để tiếp sức cho tiền tuyến, vừa chiến đấu bảo vệ sản xuất, bảo vệ quê hương.
Thi công công trình tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. |
Trong công cuộc đổi mới, Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang; nỗ lực thực hiện mong muốn của Bác năm xưa, kiến thiết, dựng xây quê hương ngày càng phát triển. Để tạo sức bật mới thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cả hệ thống chính trị đã xác định "điểm nghẽn" lớn nhất đang làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Vì thế, mục tiêu xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông… Trong năm 2023, một loạt dự án, công trình trọng điểm được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, “cả tỉnh như đại công trường” dốc sức lao động, sản xuất tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đang dần hình thành, ngày càng hoàn thiện và hiện đại; đặc biệt là hệ thống giao thông đối ngoại kết nối Nam Định với các địa phương lân cận trong vùng và cả nước như các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B);…
Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành 2 tuyến đường gồm: giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (phấn đấu hoàn thành trong quý III-2024) và tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định (dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2024). Thời gian qua, thành phố Nam Định đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ công trình cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi. Đây là công trình trọng điểm, kiểu mẫu của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Đến giữa tháng 4-2024, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành; tiến độ thi công đạt 56% tổng khối lượng công trình. Phần cầu đã được thi công xong hạng mục: lao lắp, gác dầm super T cầu dẫn, bản mặt cầu từ mố M2 đến trụ T10 (phía bên phường Cửa Nam); dầm xà mũ trụ T1, T2, T4, T5, mố M1; sàn giảm tải mố M1, M2; thân tháp trụ T9… Phần đường dẫn đã thi công xong các hạng mục: lớp cấp phối đá dăm loại 1 từ Km1+180 đến Km1+468,65; lớp cấp phối đá dăm loại 1 nhánh A+B nút giao tỉnh lộ 490C; cống hộp và rãnh thoát nước B500… Đôn đốc, đảm bảo tiến độ các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành dự án xây dựng cầu Bến Mới; các thủ tục để đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định nhiệm vụ đột phá phát triển là "phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh". Về tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh theo mô hình tổ chức không gian "ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế".
Để thực hiện các mục tiêu định hướng của Quy hoạch với những mục tiêu trước mắt đến năm 2030 thì việc phát triển hệ thống giao thông hiện đại, kết nối liên vùng huyện, liên vùng tỉnh và khu vực là hết sức quan trọng và cấp bách. Do vậy tỉnh đặc biệt tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tập trung triển khai các thủ tục để GPMB thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định - Thái Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1680/QĐ-TTg ngày 25-12-2023 với chiều dài khoảng 60,9km (địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km; địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km). Đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định dự kiến nhu cầu sử dụng đất, mặt nước, tài nguyên khác khoảng 251,15ha; chi phí GPMB khoảng 1.700 tỷ đồng; nhu cầu khối lượng cát đắp nền đường khoảng 5 triệu m3; tỉnh dự kiến bố trí 400 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công năm 2024 để GPMB. Về công tác chuẩn bị GPMB, huyện Nghĩa Hưng đã dự kiến bố trí tái định cư (TĐC) cho 10 hộ tại khu TĐC và khu dân cư tập trung xóm 10, xã Nghĩa Trung. Huyện Trực Ninh đã dự kiến bố trí 33 vị trí TĐC phân tán (các vị trí TĐC phân tán đã trích đo xong, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư hạ tầng). Huyện Xuân Trường đang dự kiến bố trí 22 vị trí TĐC phân tán.
Cùng với đó, để thiết thực tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông chiến lược, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đến thành phố Nam Định (Nam Định) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.400 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ đầu tuyến Km0+00 (đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hà Nam) đến điểm giao với Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định) trước năm 2030 (giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030) với chiều dài khoảng 25,1km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định khoảng 8,5km.
Như vậy, cùng với hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn (Quốc lộ 10, 21, 21B, 37, 37B và 38B; các tuyến đường tỉnh như đường tỉnh 487 (đường Đen cũ) qua các huyện Trực Ninh - Nam Trực - Nghĩa Hưng; đường tỉnh 487B (quy hoạch mới, qua Nam Trực, Nghĩa Hưng); đường tỉnh 489C; đường tỉnh 490B đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới trong những năm trước đây, các dự án đầu tư mới quy mô lớn: tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển, đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu qua sông Đào; tuyến cao tốc (CT.08) kết nối giữa Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Thái Bình đoạn qua địa bàn Nam Định dài 27,6km;... cũng đã và đang được tỉnh nỗ lực bằng mọi giải pháp xúc tiến triển khai thực hiện. Những tuyến đường với năng lực vận tải đáp ứng yêu cầu cho phương tiện tải trọng lớn, tốc độ cao đang được hiện thực hóa trên địa bàn tỉnh, kết nối đến các vùng miền xa, "lõm", cải thiện, phá vỡ thế "đường cụt", thậm chí đảo chiều cho các địa bàn giàu tiềm năng từ nằm ở điểm cuối tuyến thành điểm đầu của nút giao thông liên vùng tỉnh quan trọng... kết nối thuận lợi đến các vùng động lực, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế của tỉnh trong tương lai, thỏa mãn yêu cầu kết nối hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia. Nhờ đó, tạo nên sức hấp dẫn đột phá về thu hút đầu tư.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đây là năm được xác định có ý nghĩa bản lề, năm bứt phá để tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển tỉnh đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Với các tuyến giao thông trọng điểm đang được tỉnh tích cực triển khai sẽ cơ bản đảm bảo kết nối các hành lang kinh tế của tỉnh và kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Quyết tâm dồn lực từng bước đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp đúng đắn để tỉnh ta xây chắc nền móng, kỳ vọng tạo sức đột phá toàn diện, mạnh mẽ với cơ hội, không gian phát triển mới. Ý chí "thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa" của mùa xuân chiến thắng gần 50 năm trước lại đang thôi thúc chúng ta trong thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, kiến tạo các lợi thế mới cho sự bứt phá của tỉnh; tiến tới hoàn thành thắng lợi mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp - nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường).
Bốn trung tâm đô thị động lực: (1) Đô thị trung tâm với thành phố Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ). (2) Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất, thị trấn Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ). (3) Trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên). (4) Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).
Năm hành lang kinh tế: gồm (1) Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ): Đi từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - thị trấn Lâm (Ý Yên) - đến thành phố Ninh Bình; (2) Hành lang cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông): Đi từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - thị trấn Rạng Đông; (3) Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy): Đi từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - đô thị Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - đến huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); (4) Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy: Đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm; và (5) Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng): Đi từ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình).
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin