Vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp sức giải quyết việc làm

20:35, 12/06/2024

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động, kết nối cung cầu phát triển thị trường lao động, tạo nền tảng vững chắc để đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm (GQVL). Giai đoạn 2013-2023, bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện cho vay GQVL từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mới cho người lao động, nhất là những lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Nam Thái (Nam Trực).
Hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Nam Thái (Nam Trực).

Giai đoạn 2013-2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay được 1.044 tỷ đồng với 19.245 lượt khách hàng vay vốn, mức cho vay bình quân đạt 54,3 triệu đồng/lao động. Tổng số lao động được tạo việc làm qua chương trình cho vay là 21.493 người, trong đó có 14.693 lao động nữ, 444 lao động là người khuyết tật, 1.560 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Riêng nguồn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH đã giải ngân 151,8 tỷ đồng với 3.169 lượt khách hàng được vay vốn, tạo việc làm cho 3.439 lao động. Dư nợ cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2023 là 690,7 tỷ đồng với 9.992 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ từ nguồn vốn đầu tư ủy thác của địa phương là 81,9 tỷ đồng với 1.414 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,12% so với tổng dư nợ của chương trình.

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, chính sách cho vay GQVL thông qua vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá” giúp người lao động tạo sinh kế tự làm ra của cải, vật chất từ chính sức lao động của mình. Từ đó, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương, đặc biệt tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu vật nuôi, cây trồng, sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả; nhất là đối với những lao động thuộc diện thu hồi đất phục vụ phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, khôi phục các ngành nghề truyền thống tại địa phương như mây tre đan, trồng nấm, mộc mỹ nghệ… phát triển các sản phẩm OCOP, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng cho thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động. Hàng năm, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 25 nghìn người, GQVL mới cho 23.601 lao động, trong đó cho vay GQVL hơn 2.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, chương trình hỗ trợ GQVL trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm không được Trung ương cấp bổ sung mà chỉ thu hồi cho vay quay vòng, trong khi nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay còn hạn chế nên nguồn vốn cho vay của chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu vốn hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu vay vốn). Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động còn thấp (bình quân giai đoạn 2013-2023 là 48,6 triệu đồng/lao động) dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong tạo việc làm chưa bền vững. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, bố trí nguồn lực chưa đáp ứng so với nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Công tác chỉ đạo của các ban, ngành, cơ quan liên quan trong việc lồng ghép nguồn vốn tín dụng CSXH với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vẫn còn hạn chế.

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Theo đó, tỉnh xác định xây dựng và phát triển thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có năng suất lao động và tính cạnh tranh là một trong những mục tiêu ưu tiên, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Về mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51% (đạt 56% vào năm 2030); tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% (đạt 90% vào năm 2030). Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo xuống dưới 8%. Phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030…

Để đạt các mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh xác định là cho vay ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng CSXH do NHCSXH thực hiện đối với người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên mới tốt nghiệp các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh xây dựng Đề án “Giải quyết việc làm bền vững đến năm 2030”, qua đó hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đi làm việc, học tập, đào tạo nghề ở nước ngoài và tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị thu hồi đất, lao động hậu đào thải của các doanh nghiệp là rất cần thiết, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án sẽ đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 500 người lao động, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập, đào tạo nghề có thời hạn ở nước ngoài (bình quân 50 người/huyện/năm), trong đó ưu tiên lao động, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, thân nhân người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 1,5% trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%. Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện các nội dung, quy định liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, thời hạn vay vốn, phương thức cho vay, thủ tục và quy trình cho vay đảm bảo Đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com