Nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) xã Hải Giang (Hải Hậu) đã đẩy mạnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, qua đó đã nhân rộng các mô hình làm kinh tế tiêu biểu.
Hội viên nông dân Vũ Văn Phụng, xóm Mỹ Đức kiểm tra chất lượng lươn trước khi xuất bán. |
Đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn của hội viên Vũ Văn Phụng, xóm Mỹ Đức, chúng tôi được chứng kiến khu bể nuôi kiên cố, trong đó có nhiều bể lươn đã đạt trọng lượng yêu cầu, đang chuẩn bị xuất bán. Mặc dù mới bắt tay thực hiện mô hình từ năm 2020 nhưng đến nay, ông Phụng đã sở hữu 28 bể nuôi ở 2 cơ sở sản xuất với khoảng 110 nghìn con. Ông Phụng cho biết, nuôi lươn không bùn vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ồn, vừa được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tích lũy kiến thức qua tìm hiểu trên mạng Internet, lươn phát triển tốt, ít dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình ông thu được trên 10 tấn lươn, trừ chi phí thu lợi nhuận 50%. Ông Phụng hiện là tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lươn với 13 thành viên. Các thành viên được hỗ trợ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng tháng duy trì sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, nguồn giống, thuốc men. Các thành viên còn góp vốn 1 triệu đồng/người/tháng, tạo điều kiện cho thành viên có nhu cầu vay vốn.
Cũng làm giàu từ nuôi lươn, ông Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang từng có thời gian đi làm trong miền Nam. Nhận thấy nuôi lươn không bùn mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, từ năm 2018, ông bắt đầu triển khai mô hình. Đến nay, ông Thành có 22 bể nuôi với sức chứa 55 nghìn con, thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hộ nuôi trong miền Nam để mô hình ngày càng phát triển. Ông thực hiện nuôi lươn gối nhau để lúc nào cũng có lươn bán, giá cả ổn định, đồng thời hạn chế được dịch bệnh. Mỗi năm, ông vào giống 4-5 lần, mỗi lần khoảng 10 nghìn con. Ông Thành chia sẻ, lươn là giống ăn tạp nhưng lại ở sạch nên trước khi ăn 40 phút phải thay nước sạch vào bể để lươn không bị nhiễm khuẩn do nước bẩn, sản phẩm xuất bán đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ông Phụng, ông Thành, các ông Vũ Văn Như, Nguyễn Văn Tình ở xóm Mỹ Đức cũng phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập tốt hơn so với các con nuôi khác. Từ hiệu quả của các hộ nuôi lươn, HND xã đang hướng tới xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, tiếp tục liên kết các thành viên, từ đó tạo đầu ra ổn định về giá cho sản phẩm.
Đồng chí Vũ Đình Từ, Chủ tịch HND xã Hải Giang cho biết: Để khuyến khích hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, HND xã thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân. Hàng năm, HND xã phối hợp mở các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên; cử cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, các học viên thuộc đối tượng chính sách được hỗ trợ kinh phí học tập khi tham gia lớp dạy nghề. Cùng với việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, HND xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn. HND xã quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho 145 hộ hội viên vay với tổng dư nợ trên 7,8 tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ của xã. Toàn xã còn có 236 hộ hội viên được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 70 tỷ đồng. Hội viên được vay vốn đều sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Từ các hoạt động hỗ trợ của HND xã, hội viên đã triển khai phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững. Các mô hình sản xuất may mặc, mộc dân dụng, các tổ lao động xây dựng có mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng cây ăn quả có giá trị như ổi lê tại chi hội Ninh Giang, Ninh Đông, Ninh Trung được đẩy mạnh. Đặc biệt, mô hình nuôi lươn không bùn của tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản do ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch HND xã học hỏi từ miền Nam về nuôi thử nghiệm tiếp tục được nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục hộ nông dân trong xã và được nhiều hội viên xã lân cận đến tham quan, học tập. Ưu điểm của mô hình này là diện tích nuôi nhỏ hơn nhưng số lượng nuôi được nhiều hơn, sản phẩm đầu ra cũng ổn định. Tháng 4/2024 vừa qua, HND tỉnh phối hợp với HND huyện Hải Hậu tổ chức thẩm định dự án “Nuôi lươn không bùn” của Tổ hợp tác với 13 thành viên là hội viên nông dân chăn nuôi giỏi để các hộ được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, để tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP, HND xã đã phối hợp với Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ Liên Minh đưa sản phẩm miến dong Trâm Gà đi trưng bày và giới thiệu tại gian hàng sản phẩm OCOP của huyện trong dịp Đại hội đại biểu HND huyện; đưa sản phẩm ổi lê của xã giới thiệu ở triển lãm sản phẩm OCOP tại thành phố Nam Định, được khách hàng đánh giá cao.
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của HND xã Hải Giang đã góp phần tích cực cùng Đảng bộ và nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kết quả 9/9 xóm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, 3 xóm đạt xóm văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu. Năm 2024, HND xã phấn đấu có 40% hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; mỗi chi hội giúp đỡ 1 gia đình hội viên khó khăn nâng cao mức sống.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin