Gia tăng giải pháp phát triển nguồn lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

17:50, 13/06/2024

Trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quy mô, tầm cỡ lớn hoạt động ở đa dạng các ngành nghề lựa chọn Nam Định là địa điểm đầu tư nhà máy sản xuất, kinh doanh dẫn tới nhu cầu sử dụng lao động đang ngày một gia tăng. Để chủ động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tích cực phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hoá; gắn đào tạo nghề ở địa phương với phát triển các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định chủ động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định chủ động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; từ đó tập trung xây dựng, phát triển các trường chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm. Hiện tỉnh có 32 cơ sở đào tạo, trong đó có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 15 trung tâm và 7 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, 2 trường: Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định và Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) đã được tập trung phát triển với tiêu chí trường nghề chất lượng cao theo tinh thần Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường chất lượng cao đến năm 2020” giai đoạn 2014-2020 và Đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao tại Quyết định 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” giai đoạn 2020-2025. Đến nay cả 2 trường đều đã đảm bảo các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao. 33 ngành nghề đào tạo thế mạnh của tỉnh đã được đầu tư phát triển làm ngành nghề trọng điểm, trong đó có 6 ngành nghề cấp độ quốc tế, 5 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN và 22 ngành nghề cấp độ quốc gia với tổng quy mô đào tạo khoảng 2,5 nghìn người/năm.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh cũng quan tâm rà soát, thúc đẩy các trường đào tạo nghề tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; giai đoạn 2016-2023 đã đào tạo, bồi dưỡng 871 lượt giáo viên. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, sửa đổi, bổ sung chương trình, mở thêm các ngành, lĩnh vực đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn, gắn với nhu cầu thị trường. Riêng năm 2023 đã thẩm định, ban hành để đăng ký giấy chứng nhận cho 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 34 ngành nghề tương ứng, tổng quy mô đào tạo 8.780 người/năm, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo; mở rộng khoảng 120 ngành nghề đào tạo thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) quy mô đào tạo 35.200 người/năm.

Để thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực đào tạo nghề, tỉnh đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều ngành nghề, nhiều phương thức đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay tỉnh có 12 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, trong đó có: 1 trường cao đẳng nghề là Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt - May Nam Định; 1 trường trung cấp nghề là Trường Trung cấp Đại Lâm, 3 trung tâm dạy nghề gồm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp K27, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hồng Hà, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Vuông; 7 cơ sở đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy mô đào tạo lên đến hơn 4.000 người/năm, dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Toàn tỉnh có 60 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp, như là: Công ty TNHH May mặc Smartshirts, Công ty TNHH May Phúc Hằng... đã tham gia đào tạo hàng trăm lao động/năm trên địa bàn các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc.

Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo thí điểm các chương trình chuyển giao nước ngoài; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI để tổ chức đào tạo lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định có 11 cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh với lưu lượng gần 5.000 học viên/năm thuộc hai hệ đào tạo trung cấp và cao đẳng. Trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ở các ngành đang có xu hướng tuyển dụng cao; mỗi năm có trên 1.200 học viên tốt nghiệp các nhóm ngành nghề thế mạnh là: Điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, khách sạn - nhà hàng, may thời trang, nông nghiệp.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định Đinh Văn Hoản cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, từ năm 2021 đến nay, Trường đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội phát triển nhân lực Kirishima Foothills thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS tại Nam Định tuyển sinh 3 khoá với 233 học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh để sớm nắm bắt nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa khởi động đầu tư nhà máy tại địa bàn tỉnh. Nhà trường cũng chủ động kết nối và đã có nhiều doanh nghiệp lớn tại Nam Định đặt hàng đào tạo hàng nghìn lao động, như là Tập đoàn Xuân Thiện với nhu cầu sử dụng lao động để vận hành tổ hợp dự án thép xanh ở huyện Nghĩa Hưng; Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) có nhu cầu sử dụng lao động cho hoạt động sản xuất máy tính tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận…

Nhằm chủ động hơn nữa trong cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và để khắc phục một số hạn chế trong cung ứng lao động hiện nay như: Ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu tập trung ở các ngành may mặc, dệt nhuộm, kinh doanh nhỏ lẻ nên không thu hút nhiều lao động, vì vậy yếu tố đa dạng thị trường trong cung ứng lao động của tỉnh còn hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý khoa học - kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn... còn hạn chế. Trên cơ sở thực tiễn, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quy hoạch tổng thể giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học; chỉ đạo trong việc phân luồng học sinh THCS tốt nghiệp theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia về chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo về lao động việc làm, về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp làm cơ sở để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo phù hợp.

Về lộ trình dài hơi, tỉnh yêu cầu các ngành, các đơn vị đào tạo nghề phải đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn để định hướng đào tạo đúng, trúng, đáp ứng nguồn lao động trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh; đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, ngoại ngữ... Xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động, cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động; tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Trước mắt, tỉnh yêu cầu các ngành, các cơ sở đào tạo nghề bám sát vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung phát triển nguồn nhân lực đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, của từng ngành, địa phương và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng nỗ lực huy động, bố trí hợp lý nguồn lực để thực hiện phương án phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch xây dựng khu đại học và trường dạy nghề mới cấp vùng Nam đồng bằng sông Hồng với quy mô khoảng 120ha tại khu vực đô thị mới phía Nam sông Đào thuộc xã Nam Vân (thành phố Nam Định) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và giảm bớt áp lực một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội. Đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn đầu tư, thu hút các trường đại học, cao đẳng chuyển hoặc mở thêm cơ sở đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Các cơ sở đào tạo nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao hơn nữa trình độ và đào tạo bổ sung các kỹ năng mới cho lực lượng lao động, hướng tới các ngành dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục công lập, cũng như cung cấp các chương trình đào tạo tại chức linh hoạt, có tính ứng dụng cao, tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, tăng trưởng chậm và giá trị gia tăng thấp. Tích cực cập nhật kế hoạch, lộ trình và kết quả thu hút đầu tư của toàn tỉnh, của các huyện, thành phố; quan tâm nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tăng cường các chính sách liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động hoặc trung gian, triển khai đào tạo nghề theo hình thức kết hợp các chương trình chia sẻ nguồn lực đào tạo giữa các doanh nghiệp và liên kết với các cơ sở đào tạo nghề. Liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong việc giáo dục - đào tạo, có thể ngay từ cấp trung học, và cấp chứng chỉ có kinh nghiệm thực tiễn được doanh nghiệp chứng nhận, hỗ trợ quá trình phân luồng học sinh hiệu quả; vừa tạo điều kiện đào tạo gắn với thực tiễn, từ thực tiễn hoàn thiện chương trình, vừa trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng xử lý công việc cũng như kinh nghiệm làm việc, giúp các học viên dễ dàng hơn khi tham gia các chương trình tuyển dụng, lựa chọn nhân sự của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com