Quản lý hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn

07:40, 17/05/2024

Nhằm giảm thiểu các vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát và xử lý các hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất rượu thủ công và kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

Người dân chọn mua đồ uống có cồn tại cửa hàng tạp hóa trên đường Trường Chinh (thành phố Nam Định).
Người dân chọn mua đồ uống có cồn tại cửa hàng tạp hóa trên đường Trường Chinh (thành phố Nam Định).

Cơ sở sản xuất rượu cổ truyền Hồng Phúc, xã Xuân Phong (Xuân Trường) chuyên sản xuất các loại rượu: nếp cái hoa vàng, nếp men lá, nếp chắt, táo mèo, chuối hột. Hàng tháng cơ sở bán ra thị trường từ 10-15 nghìn lít rượu. Năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh và lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sản xuất này. Nội dung kiểm tra tập trung việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện các quy định kiểm định chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của Luật ATTP. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đã xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý, thực hiện nghiêm các quy định về ATTP trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ cơ sở sản xuất rượu Hồng Phúc cho biết: “Trung bình mỗi tháng, lượng rượu tại cơ sở sản xuất của gia đình tôi bán ra thị trường tương đối lớn. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi luôn thực hiện đầy đủ các thủ tục về cấp phép sản xuất, kinh doanh, ký cam kết về việc chấp hành quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu. Điều này cũng giúp cho sản phẩm rượu của gia đình ngày càng tạo được niềm tin với người tiêu dùng”.

Nghề nấu rượu thủ công ở tỉnh ta đã có từ xa xưa, là nghề phụ nhưng cho thu nhập chính của nhiều gia đình. Nhiều loại rượu thủ công ở các làng quê đã tạo được thương hiệu nổi tiếng trên cả nước như: Kiên Lao (Xuân Trường), Bỉnh Di (Giao Thủy), Yên Phú (Ý Yên), Hải Hậu,... Hầu hết các hộ dân nấu rượu theo phương pháp chưng cất thủ công để phục vụ nhu cầu tiêu dùng phổ thông, không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng, vệ sinh thực phẩm... Hoạt động kinh doanh rượu thủ công rất phổ biến như bán dạo khắp các ngõ phố; nhà hàng, khách sạn, quán cơm, quán nhậu bình dân, quán cóc vỉa hè… tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP và làm thất thu thuế của Nhà nước.

Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp đăng ký sản xuất đồ uống có cồn; Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của 29 cơ sở sản xuất rượu. Nhằm đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc rượu, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyến tỉnh, huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm điều kiện kinh doanh rượu diễn ra phổ biến ở hầu hết các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là không có giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh rượu và hàng loạt sai phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành test nhanh hàm lượng methanol đối với rượu tự chế tại các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh. Kết quả cho thấy, hầu hết các loại rượu tự chế đều có hàm lượng methanol quá hạn mức cho phép. Nhiều cơ sở lưu giữ, bảo quản rượu không đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP. Trong khi đó, việc thống kê, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu gặp rất nhiều khó khăn bởi các cơ sơ nằm rải rác trong dân, quy mô nhỏ, sản lượng chỉ từ vài trăm lít đến vài nghìn lít/năm. Hầu hết các cơ sở sản xuất rượu không đăng ký kinh doanh và không có các hồ sơ thủ tục trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lấy mẫu phân tích, không ghi nhãn hàng hóa và không dán tem. Vì thế việc kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tương đối khó. Phần lớn các cơ sở đều thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, an toàn thực phẩm và chưa được đào tạo kiến thức về ATTP cũng như các điều kiện sản xuất, kinh doanh, các hồ sơ, thủ tục cần thiết. Hơn nữa do điều kiện kinh tế khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ nên hầu hết các cơ sở nấu rượu để lấy phụ phẩm chăn nuôi vì vậy chưa thực hiện đúng các thủ tục về sản xuất, kinh doanh rượu, lấy mẫu phân tích chất lượng rượu. Đặc biệt, việc áp dụng các quy định của pháp luật trong vấn đề xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia còn hạn chế, không có nguồn kinh phí riêng hỗ trợ cho việc triển khai, thực hiện, việc lấy mẫu phân tích.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành tốt các quy định về ATVSTP. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra mặt hàng rượu nhằm phát hiện sai phạm và hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, cũng như hướng dẫn người tiêu dùng biết cách lựa chọn, sử dụng sản phẩm rượu an toàn cho sức khỏe./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com