Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ý Yên đã triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Gia đình chị Dương Thị Nhung ở xóm 3, xã Yên Đồng đầu tư chăn nuôi bò từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tăng thêm thu nhập gia đình, thoát nghèo bền vững. |
Đồng chí Nguyễn Anh Chung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho biết: “Hàng năm, Ngân hàng CSXH huyện đều tích cực tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn vay đến các xã, thị trấn trên căn cứ tỷ lệ hộ nghèo và các mục tiêu, chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương. Ngân hàng CSXH huyện còn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, thị trấn; niêm yết công khai các chủ trương, chính sách về chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay; công khai danh sách hộ vay trên địa bàn... Bên cạnh đó, ngân hàng thực hiện quản lý vốn thông qua việc phân bổ đều ở các xã, thị trấn và được chuyển tải đến tận hộ vay với sự tham gia giám sát chặt chẽ của 4 tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới 423 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã, thị trấn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác quản lý nguồn vốn vay, từ khâu thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn đến việc bình xét cho vay, lập danh sách hộ vay, xây dựng hồ sơ cho vay. Về phía ngân hàng, phối hợp, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thẩm định tính khả thi với quy trình cho vay chặt chẽ, khoa học, đúng quy định”.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân được 50 tỷ đồng cho hơn 1.684 lượt hộ vay vốn. Nhiều chương trình tín dụng chính sách có dư nợ lớn như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (202,3 tỷ đồng), hộ cận nghèo (179,3 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (148,9 tỷ đồng), cho vay giải quyết việc làm (68,9 tỷ đồng)… Đến hết ngày 26-3-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 705,9 tỷ đồng với 18.424 hộ vay. Từ nguồn vốn kể trên đã tạo nguồn lực quan trọng hỗ trợ các đối tượng chính sách trong huyện đầu tư khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở vật chất đời sống sinh hoạt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Cùng cán bộ tín dụng huyện đến gia đình chị Dương Thị Nhung ở xóm 3, xã Yên Đồng, một hộ mới thoát nghèo nhờ vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện giúp gia đình chị tạo sinh kế mới đã tháo gỡ khó khăn về kinh tế. Chị Nhung cho biết: “Cả hai vợ chồng đều là công nhân may, lại nuôi 3 con nhỏ, nên kinh tế gia đình hết sức eo hẹp. Được Ngân hàng CSXH huyện tiếp vốn 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo cộng với vốn tích lũy của gia đình, tôi đã mua cặp bò giống về chăm nuôi, tăng gia sản xuất. Hiện tại, cặp bò lớn nhanh, sinh trưởng tốt. Dự kiến khi bò sinh sản, trừ chi phí mỗi năm giúp gia đình có thêm từ 10-20 triệu đồng để tăng thu nhập, dần ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững”.
Đến một gia đình khác là anh Đoàn Xuân Sinh ở xóm 1, xã Yên Nhân, được biết, thời gian qua, xưởng gỗ gia đình vẫn hoạt động ổn định. Trong tiếng máy cưa, máy xẻ, đục rộn ràng, anh Sinh phấn khởi cho biết: “Giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình thường xuyên “đói vốn” do giá gỗ tăng, đơn hàng bị sụt giảm. Đồng hành cùng gia đình, Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện giải ngân 80 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để xưởng ổn định sản xuất, giữ chân người lao động, đầu tư mua nguyên liệu, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại, xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh như trước dịch, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 6 lao động”.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên tập trung phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các xã, thị trấn theo thông báo của Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh và đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để. Tiếp tục đề xuất Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh bổ sung vốn giải quyết việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đẩy mạnh cho vay chương trình nhà ở xã hội. Tích cực huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chú trọng việc chấp hành các thủ tục quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch xã, công tác xử lý và thu hồi nợ quá hạn, phấn đấu giảm tỷ lệ quá hạn so với đầu năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ xa và kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ủy thác của các hội, đoàn thể các cấp, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin