Nam Định được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều nghề truyền thống gắn với tên phố, tên làng, tạo nét văn hóa đặc trưng. Do cơ chế thị trường, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ “mai một”. Vì vậy, việc giữ nghề truyền thống đang là trăn trở của nhiều địa phương bởi không chỉ phát triển kinh tế, làng nghề còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa.
Nghề truyền thống làm khăn xếp ở làng Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Nghề làm mành mành ở làng Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) từng nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Trước đây, cả làng có gần 1.000 hộ dân ở 13 xóm đều làm nghề. Mỗi nhà có đến vài ba khung dệt, từ trẻ nhỏ đến người già trong làng không ai là không biết nghề. Việc làm mành đã mang lại thu nhập ổn định cho dân làng trong những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm, hiện nay, nghề làm mành mành của làng đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện tại, làng chỉ còn vài hộ chuyên tâm làm nghề. Tất cả đều đã lớn tuổi và họ đều tiếc nuối khi nghề ngày càng mai một dần. Yêu nghề, trân trọng và nặng lòng với nghề truyền thống đã gắn bó gần nửa đời người là điều dễ hiểu với người dân nơi đây nhưng việc giữ nghề hay tìm hướng đi khác thì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ chính người sản xuất và cả cơ chế thị trường.
Cũng như bao làng nghề khác, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) hiện tại cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc phát triển ngành nghề truyền thống. Vào thời điểm đỉnh cao, cả làng có 95% hộ dân đều làm nghề ươm tơ, nhưng hiện nay cả làng chỉ còn hơn 30 hộ còn giữ được nghề của cha ông. Khó khăn đầu tiên đó là về nguồn nguyên liệu và nhân công. Khi các vùng trồng dâu, nuôi tằm ở miền Bắc không còn nhiều như trước, người dân phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu, trong khi giá tơ tăng khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, để ươm tơ, dệt lụa, đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn rất nhiều sức lao động thủ công. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm, không phải ai cũng có thể thực hiện. Với mong muốn khôi phục lại thời hưng thịnh của làng nghề ươm tơ, dệt lụa, người dân Cổ Chất đã thay đổi tư duy, nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng cho sản phẩm; tuy nhiên lớp trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề ươm tơ, dệt lụa của ông cha…
Nghề dệt chiếu truyền thống ở làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có tuổi đời gần 200 năm. Lúc hưng thịnh, cả thôn có 1.000 hộ thì có tới 1.500 khung dệt chiếu. Nguyên liệu chính để dệt chiếu là cói, đay, nhưng hiện nay trong tỉnh không đáp ứng đủ, người dân làng nghề tìm mua ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình rồi các tỉnh phía Nam mới đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất. Mỗi ngày, các hộ dân trong làng tiêu thụ khoảng 10 tấn cói nguyên liệu để sản xuất, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Sản phẩm được thương lái đến làng thu mua rồi bán lại ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Duy trì nghề dệt lụa ở thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh). |
Đặc biệt sản phẩm “chiếu đậu Xuân Ninh” không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… Tuy nhiên, đời sống kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều loại nguyên liệu và các dòng sản phẩm khác nhau nên nhu cầu dùng chiếu cói cho sinh hoạt hàng ngày giảm đi đáng kể. Trong làng chỉ có người trung tuổi, người già là cặm cụi giữ nghề với vài chục khung dệt và chỉ nhận khách đặt chiếu đẹp phục vụ cưới hỏi, lễ hội truyền thống.
Với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được người tiêu dùng ưa chuộng. Thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu hoặc công nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc tại các ngành nghề, làng nghề nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động thấp dẫn đến chưa thu hút người lao động, nhất là các lao động trẻ. Số lượng nghệ nhân, thợ có tay nghề giỏi ít, chưa được thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Công tác xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa thực sự được quan tâm dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Sự mai một của các làng nghề truyền thống cũng đồng nghĩa với việc mất đi nét văn hóa lâu đời khiến nhiều người nuối tiếc. Vì vậy, giữ gìn, phát huy làng nghề, làng nghề truyền thống là nhiệm vụ cần thiết, không chỉ góp phần giữ gìn, tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, mà phát triển làng nghề cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn.
Những năm qua, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề từ Trung ương thì tỉnh ta đã có nhiều giải pháp đem lại những hiệu quả nhất định. Các ngành, các địa phương đã chú trọng huy động mọi nguồn lực, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế các địa phương, trong đó có phát triển làng nghề. Các địa phương đã chủ động lập và triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước nhằm tạo không gian phát triển theo hướng tập trung, đồng bộ cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Đồng thời, chú trọng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống và phát triển các làng nghề, ưu tiên 5 nhóm ngành nghề, làng nghề mũi nhọn, chủ lực như: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức sản xuất làng nghề theo hướng tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chủ động phát triển vùng nguyên liệu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn lao động; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư; quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, việc định hướng xây dựng làm sản phẩm OCOP ở các làng nghề gắn với các tiêu chí nâng cao chất lượng cho sản phẩm được xem là điểm tựa, là “trợ lực” để sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống thay đổi mình, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các huyện, thành phố đã huy động nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề khắc phục khó khăn.
Làng nghề truyền thống đã và đang tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ cho người trong độ tuổi lao động mà còn cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em, giúp tăng thu nhập và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo tại nông thôn. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống đang được các cấp, các ngành coi là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin