Ngày càng có nhiều lĩnh vực, nhiều người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bởi những lợi ích mang lại. Trong lĩnh vực y tế, thanh toán số đang tạo “lợi ích kép” cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân; giúp giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Triển khai thu viện phí qua ngân hàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt đem lại lợi ích cho người dân như: không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang theo nhiều tiền mặt, phòng ngừa rủi ro mất tiền trong thời gian nằm viện; người bệnh có thể tự thanh toán khi đã khỏe và xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục. Đối với cộng đồng, xã hội, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt giúp các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán dễ dàng triển khai các dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt tại bệnh viện. Việc kết nối thanh toán nhanh chóng, không mất nhiều công sức, giảm chi phí xã hội và không phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, đơn vị xây dựng phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, góp phần tạo môi trường bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Đối với cơ quan y tế, việc thanh toán phí dịch vụ khám, chữa bệnh bằng hình thức không dùng tiền mặt giúp minh bạch hóa các giao dịch; dễ dàng kiểm soát thu - chi, tra soát thông tin khi có nhu cầu; tiết kiệm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; đồng thời rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, thúc đẩy công tác chuyển đổi số góp phần tăng sự hài lòng của người dân khi khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc thanh toán điện tử còn tích hợp với hệ thống thông tin, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình “Bệnh viện thông minh”. Với những tiện ích thiết thực trên, hiện nay Sở Y tế đã triển khai trong toàn ngành việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Các cơ sở khám, chữa bệnh dán mã QR, đặt máy POS ở tất cả các quầy giao dịch thu; đội ngũ cán bộ thu ngân được đào tạo, tập huấn bài bản, chuyên nghiệp sẵn sàng tư vấn, phối hợp với người bệnh trong quá trình giao dịch, giúp đỡ người dân nắm bắt được tiện ích khi giao dịch điện tử, qua đó tuyên truyền, phổ biến rộng rãi việc sử dụng dịch vụ, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt khi đi khám, chữa bệnh.
Tiên phong các giải pháp hiện đại trong thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định (Vietinbank Bắc Nam Định) đã nâng cấp hạ tầng thanh toán, đổi mới, cập nhật ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn vị đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận hợp tác với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện chuyển đổi số về thanh toán trong lĩnh vực y tế. Hiện đã có 10 đơn vị đang triển khai thu viện phí qua mã QR tĩnh gồm: Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Nội tiết và Trung tâm y tế các huyện: Trực Ninh, Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. 4 đơn vị đã kết nối xong với hệ thống, chính thức triển khai giải pháp thu viện phí qua mã QR động là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường; 2 đơn vị đang triển khai kết nối hệ thống thu viện phí qua mã QR động.
Là bệnh viện hàng đầu tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 900 giường bệnh với bình quân số lượt người khám ngoại trú khoảng 262 nghìn người/năm và điều trị nội trú khoảng 40 nghìn lượt người/năm. Số lượt bệnh nhân đến đăng ký khám, chữa bệnh cùng với lượng giao dịch thanh toán tiền mặt hàng ngày tại Bệnh viện rất lớn dẫn đến tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi để thanh toán viện phí rất đông, vừa gây áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên tài chính, kế toán, kèm theo rủi ro về sai sót giấy tờ, tiền bạc do người bệnh khám có nhiều khoản viện phí kèm với giấy tờ, kết quả xét nghiệm... dễ bị thất lạc các biên lai thu phí, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của bệnh viện. Người dân cũng tốn thời gian khi vừa phải phục vụ người bệnh, nhiều khi lại mất thêm thời gian chờ đợi thanh toán viện phí khi làm thủ tục cho người bệnh xuất viện. Ghi nhận bước đầu qua hơn 1 năm triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR động của Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định hệ thống hoạt động thông suốt, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, không có sai sót; giúp cho bộ phận kế toán, tài chính tại các đơn vị kết nối hạch toán tốt các nguồn thu viện phí, giảm thiểu đáng kể giấy tờ, thủ tục kiểm đếm tiền mặt đối với các giao dịch giá trị lớn phát sinh, nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh của bệnh viện. Tỷ lệ thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt của bệnh viện tăng lên hơn 20%. Ngoài ra, giúp bệnh viện rút ngắn thời gian người bệnh phải chờ đợi khám, chữa bệnh 15-20 phút, giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực thanh toán viện phí. 3 tháng đầu năm 2024, Vietinbank Bắc Nam Định đã tiến hành thu hộ viện phí gần 4.400 món với tổng giá trị hơn 19 tỷ đồng.
Sau một thời gian triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thực tế cho thấy đối tượng sử dụng hình thức thanh toán này phần lớn thuộc giới trẻ, trình độ dân trí cao, khả năng sử dụng công nghệ thông tin và điện thoại thông minh thuần thục. Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng này chiếm không nhiều trong tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Còn có rất nhiều người vẫn đang dùng tiền mặt để trả viện phí do các yếu tố thói quen sử dụng tiền mặt; không quen việc thanh toán qua ngân hàng bằng thẻ SmartBanking, InternetBanking, ví điện tử; người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh… Đó là lý do chính khiến tỷ lệ bệnh nhân thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao. Bên cạnh đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục như: lỗi kỹ thuật hệ thống trong quá trình chuyển khoản khiến tài khoản của bệnh nhân đã bị trừ tiền nhưng tiền chưa về tài khoản của bệnh viện. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quá trình hướng dẫn, giải thích, giải quyết sự cố… Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt có thể bị gián đoạn hoặc mắc lỗi do hệ thống ngân hàng bảo trì, nâng cấp hoặc do chất lượng đường truyền mạng wifi không ổn định.
Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2025 có 60% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ tích cực phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của người dân khi tham gia khám, chữa bệnh; có thêm phương thức để kế toán có thể kiểm soát việc tiền về tài khoản bệnh viện ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch thành công. Các bệnh viện cần đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống mạng internet tốc độ cao, wifi...; xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị, có lộ trình triển khai cụ thể; tập huấn, nâng cao trình độ cho nhân viên để có thể hỗ trợ bệnh nhân nhanh chóng, cũng như có kiến thức để phát hiện những gian lận trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về những lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt qua các trang mạng xã hội, website của đơn vị cho người dân./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin