Thời gian qua, huyện Xuân Trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu riêng của từng địa phương; đặc biệt đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; đưa chương trình nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu hiệu quả, bền vững.
Sản phẩm OCOP ở cơ sở sản xuất, kinh doanh của ông Nguyễn Hồng Thanh, xã Xuân Phong. |
Để chương trình OCOP lan tỏa thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương, UBND huyện Xuân Trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh và thực tế ở địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cùng với đó, huyện chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM và đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Nhận được sự tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của ngành chức năng cùng sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng, chủ động hoàn thiện sản phẩm về chất lượng, mẫu mã bao bì và các nội dung khác theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP để nâng tầm sản phẩm.
Đến nay, huyện Xuân Trường có 48 sản phẩm của 24 tổ chức, cá nhân ở 20/20 xã, thị trấn được UBND tỉnh, UBND huyện công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng. Nổi bật là các sản phẩm “Cá Lăng tươi cắt khúc”, “Cá Trắm đen tươi cắt khúc”, “Cá Trắm cỏ tươi cắt khúc” của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với nguyên liệu cá từ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Xuân Hòa. Các sản phẩm “Giò Trung Lan” của hộ sản xuất, kinh doanh Ngô Mạnh Trung, xã Xuân Đài; “Giò lụa Thắng Phương” của hộ sản xuất, kinh doanh Vũ Hoài Thắng, xã Xuân Ngọc; “Nem nắm con dâu bà Thành” của hộ sản xuất, kinh doanh Bùi Quang Điện, xã Xuân Kiên… là những sản phẩm đặc sản tại quê hương Xuân Trường. Sản phẩm OCOP “Chiếu đậu Văn Đoan” là sản phẩm truyền thống góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu của làng nghề dệt chiếu hàng trăm năm tuổi Xuân Dục, xã Xuân Ninh. Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới được chế biến gia tăng hiệu quả kinh tế cao cũng được công nhận sản phẩm OCOP như: “Trà thìa canh”, “Trà hoa hồng” của Công ty TNHH Green & Book Ambassador, xã Thọ Nghiệp; “Trà sữa Matcha 3 in 1”, “Bột trà xanh BG Nano” của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Matcha Xuân Trường, xã Thọ Nghiệp; “Bánh nướng Ngọc Hà nhân thập cẩm” của hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Hà, xã Xuân Châu… Sau khi có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở đều nhận thấy được lợi ích và ý nghĩa khi tham gia Chương trình. Hộ sản xuất, kinh doanh Nguyễn Hồng Thanh, xã Xuân Phong có 3 sản phẩm OCOP là “Rượu nếp cái hoa vàng Hồng Phúc”, “Rượu chắt Hồng Phúc”, “Rượu nếp men lá Hồng Phúc”. Ông Nguyễn Hồng Thanh, chủ cơ sở cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP, tôi được hỗ trợ tích cực trong việc hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Đặc biệt tôi cũng hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc chuẩn hóa về mẫu mã, nhãn mác sản phẩm… đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở, giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn với khách hàng”. Mỗi năm, cơ sở của ông Nguyễn Hồng Thanh xuất bán hàng chục nghìn lít rượu ra thị trường, thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, nếp 97 của địa phương ổn định với giá trị kinh tế cao hơn, động viên người sản xuất; tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Việc xây dựng các sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao thu nhập của người dân, là một trong những “đòn bẩy” giúp huyện Xuân Trường đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, huyện có 20/20 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó có 6 xã Xuân Hòa, Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Phương, Xuân Thượng, Xuân Hồng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; UBND huyện cũng ban hành quyết định công nhận 121/167 khu dân cư NTM kiểu mẫu thuộc 19/20 xã, thị trấn.
Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường cho biết: Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã mang lại hiệu quả kinh tế, gia tăng giá trị cho các chủ thể, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm là tại một số địa phương sau khi có sản phẩm OCOP được công nhận đã có dấu hiệu chững lại, chưa tích cực rà soát các sản phẩm tiềm năng hiện có để vận động, tuyên truyền chủ thể của sản phẩm tham gia Chương trình. Thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các sản phẩm trên địa bàn, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và đủ điều kiện để đăng ký tham gia Chương trình. Đối với các địa phương có sản phẩm được công nhận OCOP đã hết thời hiệu thì tiếp tục vận động, tuyên truyền các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì và thiết lập hồ sơ công nhận lại. Định hướng cho các chủ thể phát triển sản phẩm ý tưởng gắn với nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm tiềm năng mang tính đặc trưng của địa phương để tham gia Chương trình OCOP./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin