Hiệu quả môi trường của mô hình bể thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật

08:30, 16/04/2024

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình xử lý rác thải độc hại nguy hiểm trên đồng ruộng bằng bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Nông dân xã Bình Minh (Nam Trực) bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa bê tông.
Nông dân xã Bình Minh (Nam Trực) bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể thu gom.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hàng năm trên địa bàn tỉnh ước tính sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, do vậy lượng vỏ, bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng rất lớn. Việc sử dụng thuốc BVTV tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng. Tuy nhiên, vì yếu tố an toàn nên một lượng lớn bao bì thuốc BVTV (loại túi) được làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, cần được xử lý theo quy trình kỹ thuật chuyên môn mới đảm bảo an toàn. Sau khi lấy thuốc sử dụng, vẫn còn tồn dư một lượng thuốc BVTV nhất định bám vào thành túi. Nếu bao, túi, lọ này bị vứt bừa bãi ra môi trường đồng ruộng, số thuốc dư đó bị khuếch tán vào không khí, nước tưới, nước mưa và thấm qua đất vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Trong khi đó, nhiều người làm ruộng vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV như các loại rác thải thông thường nên thường tiện tay vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng. Có người "cẩn thận" xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy theo cách chôn lấp thủ công cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, các loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá, rầy các loại, bệnh đạo ôn… ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật đòi hỏi phải phòng trừ nhiều hơn nên số lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng cũng ngày càng nhiều.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình “Bể bê tông chứa bao bì thuốc BVTV”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến, tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Trồng trọt; Luật Môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn theo Luật Bảo vệ môi trường… Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Với sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, người dân đã từng bước nhận thức được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là sự ô nhiễm mỗi trường từ các chất thải nguy hại, trong đó có bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hơn 20 nghìn bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương trên các cánh đồng. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mô hình “Bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV” đã và đang được sử dụng hiệu quả trên địa bàn. Trong năm 2023, số lượng bao bì thuốc BVTV được thu gom, xử lý sau sử dụng gần 147 tấn. Toàn bộ lượng bao gói thuốc BVTV sau khi thu gom được vận chuyển và đưa đi xử lý đúng quy định về xử lý chất thải nguy hại thông qua hợp đồng giữa Công ty Cổ phần đầu tư kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (Khu công nghiệp Hòa Xá, thành phố Nam Định) với UBND các xã, thị trấn. Ngoài trồng lúa, hiện nay cây cỏ Nhật và cây cảnh là các loại cây trồng phổ biến tại xã Nam Thắng (Nam Trực) nên lượng thuốc BVTV được người dân trong xã sử dụng khá lớn. Đồng chí Đỗ Văn Lạc, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cho biết: “Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã đã xây gần 50 bể bê tông chứa vỏ bao bì thuốc BVTV trên khắp các cánh đồng. Đồng thời chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã thường xuyên tuyên truyền phổ biến thông tin rộng rãi đến người dân về những nguy hại của vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đối với môi trường sống và sức khỏe của con người, vật nuôi... nếu không được xử lý đúng cách để nâng cao ý thức trong việc xả thải, bảo vệ môi trường. Từ khi có bể chứa, trên địa bàn xã không còn tình trạng người dân vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng”. Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Hương, xóm Thái Hòa, xã Trực Đạo (Trực Ninh) vừa pha xong thuốc chuẩn bị phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 trên lúa xuân 2024, chị cẩn thận thu gom các loại bao bì, chai lọ thuốc BVTV bỏ giọn vào túi nilon để đưa vào bể thu gom của xã. Chị Hương cho biết, thói quen vứt chai lọ, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng của nông dân, một phần do chưa hiểu hết tác hại lâu dài của rác BVTV đối với môi trường. Sau khi được tuyên truyền, hầu hết người dân địa phương đã tự giác thu gom bao bì thuốc BVTV, tạo thành thói quen tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thu gom, xử lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT), do nhận thức, thói quen của người nông dân ở một số nơi còn hạn chế nên vẫn còn một lượng nhỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Vẫn còn tình trạng người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV không đúng nơi quy định, súc rửa dụng cụ sau khi phun thuốc ngay ở kênh, mương gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước và sức khỏe cộng đồng. Một số đơn vị hợp đồng chưa thu gom, xử lý kịp thời lượng bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Kinh phí đầu tư hạn chế nên vẫn còn một số nơi chưa đảm bảo đủ số lượng bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. Một số bể chứa chưa đạt yêu cầu theo hướng dẫn, các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV này phần lớn chưa theo quy chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo để đáp ứng yêu cầu thu gom được an toàn. Nhiều bể chứa đã được đưa vào sử dụng nhiều năm đến nay xuống cấp, thậm chí không còn sử dụng được nhưng chưa được thay thế, sửa chữa. Khoảng cách đặt bể tại một số địa phương chưa hợp lý nên việc thu gom và thực hiện của người sản xuất chưa triệt để...

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các cấp lãnh đạo địa phương, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh nhận thức đầy đủ về tác hại của bao gói thuốc BVTV đến môi trường. Bố trí kinh phí xây dựng thêm các bể chứa, các khu vực lưu chứa và triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng theo đúng quy định. Thực hiện vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng hợp đồng với các đơn vị có chức năng nhiệm vụ theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Qua đó hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com