Bằng sự linh hoạt, “dám nghĩ, dám làm”, nhiều nông dân huyện Xuân Trường đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chiều sâu các tiêu chí nông thôn mới (NTM) tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của ông Nguyễn Văn Tung, xã Xuân Châu. |
Tận dụng lợi thế có 2 con sông lớn (sông Hồng và sông Ninh Cơ) chảy qua, nhiều hộ dân ven sông ở các xã của huyện Xuân Trường đã đầu tư vốn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó nổi bật là mô hình của ông Nguyễn Văn Tung ở xã Xuân Châu, một trong những người tiên phong về nuôi cá lồng trên sông Hồng. Ông Tung cho biết: Nhận thấy nguồn nước sông Hồng chảy qua địa bàn xã lưu thông liên tục nên luôn sạch, không bị ô nhiễm, rất thuận tiện cho việc nuôi cá lồng nên ông đã tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình nuôi cá lồng hiệu quả tại tỉnh Hải Dương. Ban đầu, ông cùng một người bạn đầu tư 50 lồng nuôi cá lăng, cá diêu hồng và cá chép giòn. Đây là các loại cá dễ nuôi, ít bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bão số 1 năm 2016 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh với cường độ gió giật mạnh kèm mưa lớn đã phá tan bè nuôi; lưới mủng rác, cá trôi hết ra sông. Mất mát tài sản, công sức, người bạn nản chí bỏ cuộc nhưng ông Tung thì không. Tự nhủ “thua keo này ta bày keo khác”, ông bàn với vợ con vay vốn ngân hàng, anh em, bạn bè quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp một lần nữa. Rút kinh nghiệm sau biến cố, để “chắc ăn” hơn, ông Tung đã làm hệ thống khung lồng bằng ống tuýp sắt mạ kẽm chống rỉ, liên kết với các thùng phuy lớn và 30 lồng nuôi với thể tích khoảng 100m3/lồng. Mặc dù dòng nước luân chuyển liên tục, môi trường nước nuôi sạch song trong suốt quá trình nuôi, ông Tung thường xuyên vệ sinh lồng; đồng thời phòng bệnh cho cá bằng cách buộc các túi vôi bột xung quanh lồng; định kỳ tắm muối khử trùng, giảm bệnh nấm ngoài da, nấm mang… nên cá ít bệnh, phát triển tốt, tỷ lệ sống luôn đạt trên 90%. “Nuôi cá lồng chất lượng thịt thơm, ngon, không mùi tanh nên được thị trường ưa dùng. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán trên 30 tấn cá các loại, thu về gần 1 tỷ đồng”. - Ông Tung cho biết.
Từ 1 công nhân cơ khí, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, ông Đinh Xuân Mộc ở xã Xuân Kiên đã phát triển quy mô sản xuất từ xưởng cơ khí nhỏ thành Công ty TNHH Đình Mộc - luôn là một trong những đơn vị đi đầu về ngành cơ khí, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, Công ty còn phát triển sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường) và xã Giao Tân (Giao Thủy). Ngoài sản xuất lúa công nghệ cao và trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay Công ty còn thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo hướng hữu cơ trong chăn nuôi. Theo đó, trang trại của Công ty nuôi trên 50 con trâu, bò; hàng nghìn con gia cầm các loại (vịt trời, vịt siêu trứng, vịt thương phẩm, gà siêu trứng Ai Cập, gà lông màu). Toàn bộ lượng phân trâu bò được tận dụng làm nguồn thức ăn nuôi trùn quế; lượng phân gia cầm làm thức ăn cho ruồi lính đen, một loại côn trùng dễ nuôi, không gây hại cho người, xử lý hiệu quả chất thải hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chuồng trại. Trùn quế và ấu trùng ruồi lính đen được tái sử dụng là nguồn dinh dưỡng giàu protein cho đàn vật nuôi. Việc áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện Xuân Trường đã chú trọng công tác quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh, quy hoạch phát triển làng nghề; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi trong phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế. Hiện trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi thủy sản (cá lăng, cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) VietGAP theo chuỗi giá trị ở xã Xuân Hòa; mô hình sản xuất bánh đa nem, mì gạo theo chuỗi ở xã Xuân Tiến; mô hình phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống Kiên Lao, xã Xuân Kiên…
Năm 2023, huyện đã thực hiện đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90,35%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 9,65%. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện giúp nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được đẩy mạnh. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 6/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiễu mẫu; 153/167 thôn (xóm), tổ dân phố được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huyện Xuân Trường được tỉnh đánh giá dẫn đầu phong trào thi đua về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu…
Đồng chí Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy Xuân Trường cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch vùng huyện; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn, bảo đảm thống nhất, đồng bộ các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin