Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt; thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là hỗ trợ đăng ký mở tài khoản ngân hàng cho người dân. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ E-Mobile Banking tại trụ sở Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định. |
Theo đó, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với các đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Bưu điện tỉnh tập trung các giải pháp triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH… Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực tuyên truyền về các tiện ích khi lĩnh tiền qua ngân hàng, mở thẻ miễn phí cho người thụ hưởng. Năm 2023, các ngân hàng đã phối hợp với BHXH tỉnh và một số huyện triển khai chi trả 160.116 món với số tiền 719 tỷ đồng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm cho các đối tượng thụ hưởng qua tài khoản ngân hàng. Cụ thể, 16.886 người nhận lương hưu hàng tháng qua thẻ ATM, chiếm 16,68% tổng số người hưởng lương (101.230 người); trong đó số người ở đô thị là 10.143 người. Chi trả BHXH một lần qua tài khoản ATM cho 10.106 người, trong đó số người ở đô thị là 2.290/3.308 người, chiếm 69,22%. Chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 18.925 người; trong đó số người lĩnh qua thẻ ATM là 18.769 người, tăng 3,8% so với năm 2022. Nhờ đó, các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách trợ cấp ASXH được nhận đúng, đủ, nhanh chóng số tiền theo danh sách chi trả do ngành LĐ-TB và XH cung cấp. Công tác tổ chức chi trả được thực hiện khoa học và hợp lý, đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian của người nhận trợ cấp ASXH. Hiện tại, Sở LĐ-TB và XH đã cập nhật, bổ sung thông tin của 14.481 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên mở tài khoản tại các NHTM vào phần mềm quản lý chi trả, đồng thời phối hợp với Trung tâm Thông tin của Bộ LĐ-TB và XH nâng cấp phần mềm quản lý chi trả; phối hợp với UBND các huyện, thành phố thu thập thông tin tài khoản của đối tượng bảo trợ xã hội. Đến nay đã có 55.758 đối tượng mở tài khoản tại các NHTM và đang triển khai cập nhật tài khoản trên phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội. Từ tháng 12-2023, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong tháng 1-2024, các ngân hàng đã chi trả 27.165 món với số tiền 141 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho đối tượng hưởng chính sách ASXH là xu hướng tất yếu trong ứng dụng chuyển đổi số, góp phần từng bước cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH. Việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt cũng đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt. Sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” và chủ trương của Đảng, Nhà nước là “đem lại lợi ích tối đa cho người dân”. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng như góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những thuận lợi, thực tế ghi nhận quá trình triển khai thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhất là về cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, đường truyền. Các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế... gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thiết bị công nghệ thông minh để làm công cụ giao dịch. Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em... cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền. Để triển khai tốt công tác chi trả ASXH không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng đề xuất UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cập nhật tài khoản, thực hiện chi trả trợ cấp qua tài khoản cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money…) từ ngân sách Nhà nước; thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách ASXH đối với các đối tượng đặc biệt (ốm đau bệnh nặng, không thể đi lại được và không có người nhận thay hoặc trường hợp đặc biệt khác), tổ chức dịch vụ chi trả có trách nhiệm chi trả tại nhà cho đối tượng. Các NHTM tiếp tục khuyến khích người hưởng chính sách ASXH khi mở thẻ ATM như miễn, giảm các loại phí liên quan đến mở, rút và duy trì tài khoản…; đầu tư phát triển hạ tầng, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả; kịp thời hỗ trợ người dân khi gặp các sự cố khi rút tiền. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước tỉnh với Công an tỉnh và cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán; đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm trên không gian mạng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin