HƯỞNG ỨNG NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI (22-3): Chú trọng quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước

08:00, 22/03/2024

Ngày Nước thế giới là một sự kiện quốc tế thường niên được tổ chức vào ngày 22-3 nhằm tạo điều kiện để người dân trên khắp trái đất thấy được tầm quan trọng của nguồn nước sạch và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Ngày Nước thế giới năm nay được phát động với chủ đề “Nước cho hòa bình” hướng tới mục tiêu kêu gọi cộng đồng cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước. Chủ đề được xác định do tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng phức tạp và khốc liệt trong khi dân số toàn cầu đang tăng lên. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện nay trên toàn thế giới có hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. 

Công nhân Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) kiểm tra chất lượng nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo xử lý an toàn trước khi xả ra môi trường.
Công nhân Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) kiểm tra chất lượng nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo xử lý an toàn trước khi xả ra môi trường.

Tại Nam Định, việc hưởng ứng Ngày Nước thế giới đã được duy trì, thực hiện trong nhiều năm nay với hàng loạt hoạt động thiết thực hướng đến việc tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước (TNN). Trong đó, tỉnh đã chú trọng huy động, thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nhờ đó hệ thống cung cấp nước sạch đô thị và nông thôn của tỉnh được đầu tư đã cơ bản đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), tổng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh ước khoảng 222.865 m3/ngày.đêm; trong đó, nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt khoảng 189.825 m3/ngày.đêm; nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp khoảng 33.040 m3/ngày.đêm. Tổng nhu cầu khai thác nước của các nhà máy, trạm cấp nước sạch và các đơn vị khai thác nước đơn lẻ trên địa bàn vào khoảng 372.330 m3/ngày.đêm. Nếu so sánh về tổng lượng giữa nhu cầu khai thác nước và nhu cầu sử dụng nước thì hiện tại tỉnh Nam Định đang đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các công trình cấp nước sạch tập trung đã được cấp phép khai thác nước, hiện nay các doanh nghiệp đang đầu tư 5 dự án cấp nước sạch nông thôn (huyện Nghĩa Hưng 2 dự án, huyện Trực Ninh 2 dự án, huyện Hải Hậu 1 dự án). Hết năm 2023, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,98%, trong đó có 96,56% dân số nông thôn sử dụng nước sạch.
Công tác quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh cũng được ngành TN và MT chú trọng thực hiện đồng bộ. Trên toàn tỉnh đã cấp phép khai thác nước cho 52 nhà máy, trạm cấp nước sạch phục vụ cho các hoạt động sử dụng nước (trong đó, 50 đơn vị khai thác nước mặt, 2 đơn vị khai thác nước dưới đất) và 20 đơn vị khai thác đơn lẻ được cấp phép khai thác nước (8 đơn vị khai thác nước mặt, 12 đơn vị khai thác nước dưới đất). Công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, bảo vệ TNN được đẩy mạnh. Qua đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về TNN các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TNN; bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước dưới đất, việc khai thác, sử dụng nước dưới đất tràn lan như trước đây đã giảm rõ rệt và có kiểm soát. Tính riêng năm 2023, Sở TN và MT đã trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN cho 8 đơn vị với gần 359 triệu đồng; trình phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của 2 đơn vị. Sở cũng thu 1,256 tỷ đồng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các khu công nghiệp trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, mạng lưới quan trắc, giám sát TNN đã được từng bước đầu tư trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, mạng lưới quan trắc số lượng TNN mặt của tỉnh đã có 10 cụm quan trắc (3 cụm tại sông Hồng, 3 cụm tại sông Đáy, 2 cụm tại sông Ninh Cơ, 2 cụm tại sông Đào). Mạng lưới quan trắc mực nước dưới đất đã có 11 cụm quan trắc giếng. Mạng lưới quan trắc môi trường nước thu mẫu thực địa có: 56 điểm quan trắc nước mặt, 24 điểm quan trắc độ nhiễm mặn trên sông, 14 điểm quan trắc nước dưới đất, 63 điểm quan trắc nước thải, 8 điểm quan trắc nước biển ven bờ. Công tác vận hành mạng lưới quan trắc được tổ chức thực hiện thường xuyên, theo kế hoạch, đảm bảo có thể giám sát diễn biến động thái nước, tình hình suy giảm mực nước, chất lượng nước, kiểm soát được nguy cơ cạn kiệt nguồn nước dưới đất; kịp thời phát hiện nếu xuất hiện các điểm nóng và có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước một cách hiệu quả nhất.

Để phục vụ công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững TNN trên địa bàn tỉnh, Sở TN và MT đã hoàn tất nghiên cứu Đề án và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 29-12-2023 phê duyệt Danh mục và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã xác định được khu vực nhiễm mặn của tầng chứa nước holocen chủ yếu phân bố tại phía Nam tỉnh (các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng), ngoài ra còn phân bố rải rác dạng “da báo” tại các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên. Khu vực nhiễm mặn của tầng chứa nước Pleistocen phân bố chủ yếu ở phía Bắc của tỉnh, trên địa bàn các huyện Vụ Bản, Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, thành phố Nam Định và 1 dải nhỏ tại các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc. Khu vực nhiễm mặn của tầng chứa nước Neogen chủ yếu ở phía Bắc của tỉnh, trên địa bàn các huyện Vụ Bản, Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định. Kết quả đo đạc cho thấy tại các xã, thị trấn: Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); Hải An, Hải Phong, Hải Giang, Hải Ninh (Hải Hậu); Giao Yến (Giao Thủy); Trực Hùng, Ninh Cường (Trực Ninh) đang có dấu hiệu suy giảm mực nước dưới đất, mặc dù chưa vượt quá mực nước động cho phép (30m). Vì vậy, các khu vực này cần được chú trọng, quan tâm, xây dựng nhà máy nước mặt cung cấp cho các hoạt động sử dụng nước để hạn chế và bảo vệ nguồn nước dưới đất, tránh nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng...

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay, các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể của tỉnh bám sát kế hoạch phát động của tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ đề Liên hợp quốc phát động, đặc biệt quan tâm thúc đẩy thực hiện các chương trình phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, chú trọng duy trì và triển khai một số nhiệm vụ chính như: Tiếp tục đầu tư, bổ sung các hệ thống quan trắc, giám sát TNN trên phạm vi toàn tỉnh để nâng cao hiệu quả giám sát tình hình suy giảm mực nước, chất lượng nước, kiểm soát được nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Củng cố, tăng cường bộ máy quản lý TNN ở các cấp để đáp ứng nhiệm vụ quản lý, giám sát TNN trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay. Tổ chức triển khai thanh tra, kiểm tra công tác quản lý TNN; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước tại một số cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước (khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cấp nước đô thị, nông thôn...); kiểm soát chặt các hoạt động phòng, chống ô nhiễm suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước ngay từ khi triển khai đầu tư các dự án phát triển. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra và kiểm tra hàng năm, kết hợp với công tác kiểm tra đột xuất, chú trọng các tổ chức và cá nhân sử dụng lượng nước lớn, công trình có quy mô khai thác và chiều sâu giếng lớn; đặc biệt chú ý đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao. Xử lý nghiêm các vi phạm trong xử lý trám lấp giếng khoan không sử dụng và các vi phạm khác về khai thác, sử dụng, bảo vệ nước dưới đất theo quy định. Tích cực thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, nhất là tại các khu vực đang có dấu hiệu suy giảm mực nước dưới đất. Bám sát các văn bản nghị định, thông tư có liên quan của Bộ TN và MT, làm căn cứ xây dựng cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc áp dụng công nghệ tự động, trực tuyến, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục. Trước hết tập trung xây dựng cơ chế giám sát đối với hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; các công trình khai thác nước chủ yếu, tập trung quy mô lớn. Đối với các vùng dự án phát triển kinh tế chưa có nguồn nước cấp tập trung khuyến cáo hạn chế khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nước dưới đất. Kiểm soát được các cơ sở khai thác nước dưới đất, nguồn xả thải trên các lưu vực sông, ưu tiên các đối tượng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải có quy mô lớn thông qua hệ thống giám sát TNN. Bám sát Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 29-12-2023 của UBND tỉnh phê duyệt Danh mục và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để tiến hành lập quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất theo hướng xem xét và ưu tiên lồng ghép trong các quy hoạch thành phần của tỉnh để đảm bảo khai thác hiệu quả và phát triển bền vững nguồn TNN./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com